Tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tốt nhất thế mạnh của các địa phương

NDO -

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù đối với Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế nhằm tạo thêm nguồn lực cho các địa phương phát triển. Việc này cũng phù hợp với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển 4 địa phương nêu trên.

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến ngày 27/10 của Quốc hội. Ảnh: LINH NGUYÊN
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến ngày 27/10 của Quốc hội. Ảnh: LINH NGUYÊN

Tạo cú hích tăng trưởng cho các địa phương

Ngày 27/10, thảo luận trực tuyến về các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, việc Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương này sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở, cơ chế, chính sách cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế, có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đòn bẩy để bứt phá nhanh, có sức lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng.

Đại biểu Hùng dẫn chứng cho biết, thành phố Hải Phòng những năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng rất cao, kể cả về thu ngân sách, thu hút đầu tư và sẽ là động lực tăng trưởng của cả nước, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là thành phố kiểu mẫu của cả nước và khu vực.

Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương còn tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có diện tích lớn, dân số đông, có nhiều tiềm năng, lợi thế. Nếu được Quốc hội cho thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có thay đổi về quy hoạch, tổ chức bộ máy, nhất là nguồn lực để đầu tư phát triển.

“Thực tế, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đều đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, đây là điều kiện cần và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách, đặc thù là điều kiện đủ”, đại biểu tỉnh Vũ Xuân Hùng nhận định.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cũng cho rằng, những nội dung, nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong một số trường hợp trên thực tế không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, không giảm thu ngân sách Trung ương, không làm tăng nợ công hay nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô.

Tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất thế mạnh của các địa phương -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội). Ảnh: LINH NGUYÊN

Về hành chính thì không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất và tập trung từ Trung ương đến địa phương mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các biện pháp quản lý trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng, đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Do đó, chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển, không chỉ đối với 4 địa phương nêu trên mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc.

“Đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra động lực mới”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cũng cho rằng cả 4 địa phương đều có tiềm năng, thế mạnh, nếu có thêm cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thêm cú hích phát triển, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng không chỉ của địa phương mà còn cho vùng và cả nước.

Đâu mới là động lực tăng trưởng trọng yếu?

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng điều quan trọng nhất là cách hoạch định chính sách nhằm đặt các cơ chế đặc thù tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật, cũng như các chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đại biểu Nhân cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội bố trí thảo luận đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong cơ cấu kinh tế có cơ cấu lãnh thổ, kinh tế là nội dung, cách thức liên kết, phối hợp về mặt kinh tế giữa các lãnh thổ hợp thành nền kinh tế.

“Như vậy, khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương chúng ta đã tính đến sự liên kết giữa các địa phương này với các tỉnh, thành lân cận hay chưa. Điều quan trọng là chúng ta có đặt cơ chế, chính sách đặc thù trong tổng thể vùng kinh tế mà không phải từng tỉnh, riêng lẻ hay không”, đại biểu Nhân nêu vấn đề.

Tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất thế mạnh của các địa phương -0
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: LINH NGUYÊN

Đại biểu Nhân dẫn chứng cho biết, khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, Tờ trình của Chính phủ có nêu xác định vai trò của thành phố Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp này khi đề cập đến tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, Thanh Hóa từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước.

“Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng của miền Trung trong trường hợp này. Các địa phương được hưởng đặc thù sẽ đóng vai mới như thế nào trong chiến lược liên kết vùng”, đại biểu Nhân băn khoăn.

Nhấn mạnh khát vọng phát triển đất nước cũng như câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng luôn là trăn trở của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, đại biểu Nhân bày tỏ mong muốn có một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm.

“Bởi đây mới chính là động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng luôn mang khát vọng thịnh vượng, và chỉ có đồng lòng như vậy chúng ta mới có thể đi xa cùng nhau”, đại biểu Nhân bày tỏ.

Tạo các cực tăng trưởng mới, bảo đảm hài hòa với các địa phương khác

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, giữa các địa phương có điều kiện khác nhau, trình độ phát triển khác nhau và khả năng phát triển sẽ khác nhau. Do đó, để tạo nên một "cú hích" cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh thì phải có cơ chế, chính sách đặc thù.

Tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất thế mạnh của các địa phương -0
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: LINH NGUYÊN 

Chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, bứt phá, phát triển tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho Trung ương.

“Chủ trương này vừa để bảo đảm sự phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, động lực, các "đầu tàu" để phát triển nhưng cũng quan tâm hài hòa với các địa phương khác”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển hài hòa, kéo gần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Với các vùng còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư. Hiện đã có tới 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai thực hiện về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển đồng bào dân tộc miền núi.

Các cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương trình Quốc hội lần này đều mang tính chất thực hiện thí điểm để kiểm nghiệm hiệu quả, để các địa phương này có điều kiện bứt phá lên, đồng thời hệ thống chính sách vẫn bảo đảm thống nhất, không có sự mất công bằng.

Bộ trưởng cũng cam kết nghiêm túc tiếp thu tối đa tất cả những ý kiến các đại biểu Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính, Ngân sách để hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV