Trước đây, trên phố Thái Hà (đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ) có một tuyến mương nước thải ô nhiễm, tập kết đủ loại phế thải gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Từ năm 2020, với dự án lát đá và tạo cảnh quan, vỉa hè nơi đây đã được trả lại đúng chức năng vốn có. Ngoài việc lát đá, trồng cây khép tán, bụi hoa tại phần giáp với bó vỉa, trên vỉa hè tuyến đường còn bố trí một làn đường dành riêng cho người đi bộ rộng hơn 1 m. Từ đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, vi phạm trật tự đô thị đã giảm rõ rệt.
Tiếp nối kết quả đã đạt được trên phố Thái Hà, quận Đống Đa đã tiến hành chỉnh trang hè phố Huỳnh Thúc Kháng và đến nay, các hạng mục cơ bản đã hoàn thành. Tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng vốn chật chội, đông đúc xe cộ nay cũng trở nên xanh hơn với hàng cỏ trải dài từ đầu đến cuối phố. Biện pháp này không những đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tạo điểm nhấn, cảnh quan đô thị mà còn hạn chế được nhiều hành vi vi phạm trật tự đô thị và tạo điều kiện cho người đi bộ di chuyển an toàn. Ông Phạm Ngọc Hải ở ngõ 17 Huỳnh Thúc Kháng phấn khởi cho biết: “Từ khi vỉa hè được chỉnh trang lại khang trang, sạch sẽ, chúng tôi còn có thể đi tập thể dục tại đây, rất an toàn, tiện lợi”.
Đây là một trong những chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn quận Đống Đa. Tiếp nối kết quả đó và để thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và Chỉ thị số 09-CT/QU ngày 1/9/2021 của Quận ủy Đống Đa về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý trật tự văn minh đô thị, chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố trên địa bàn quận”, UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch chung và các kế hoạch chuyên đề nhằm thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở trong thực hiện, quận thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Anh Tuấn cho biết, việc sử dụng mạng xã hội Zalo được thực hiện trong toàn quận, từ Thường trực Quận ủy đến các thành viên Tổ công tác liên ngành Ban Chỉ đạo 197 quận, các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị, công ty phối quản đến các đồng chí chủ tịch, trưởng công an 21 phường.
Trong đó, yêu cầu các Chủ tịch UBND phường, trưởng công an phường trực tiếp ra đường kiểm tra, chỉ đạo công tác xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ít nhất ba buổi/tuần. "Thay vì văn bản hành chính, những bất cập và kết quả xử lý trong lĩnh vực bảo đảm trật tự giao thông đô thị được chúng tôi nêu và giám sát bằng hình ảnh, clip thông qua ứng dụng công nghệ 4.0, với tiêu chí "ngay và luôn". Trong đó, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nếu để xảy ra tồn tại phức tạp", Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định chia sẻ về chủ trương và biện pháp mà toàn quận đang thực hiện.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 197 quận chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 197 quận, các tổ công tác liên ngành, Ban Chỉ đạo 197 các phường tổ chức kiểm tra định kỳ hằng ngày kiểm tra đột xuất, phát hiện các vi phạm và chụp ảnh đăng lên nhóm mạng Zalo kèm theo yêu cầu đơn vị giải quyết, thời gian giải quyết và báo cáo kết quả kiểm tra xử lý bằng hình ảnh. Từ khâu chỉ đạo, phản ánh, đến tiếp nhận xử lý chỉ trong vài phút. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Chỉ đạo 197 của các phường sẽ xử lý và báo cáo lại bằng hình ảnh.
Nhờ cách làm nêu trên, trong năm 2021 công tác kiểm tra, xử lý trên hệ thống mạng Zalo của Ban Chỉ đạo 197 quận đã ghi nhận 13.961 hình ảnh vi phạm trên địa bàn. Qua đó, đôn đốc các đơn vị xử lý, xử phạt hành chính 6.776 trường hợp, xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng. Các đợt kiểm tra đột xuất cũng đã xử lý tổng cộng 24.592 trường hợp vi phạm, phạt hơn 11 tỷ đồng.
Song song với đó, lực lượng chức năng quận Đống Đa chủ động bố trí lực lượng phối hợp các đơn vị chức năng của 21 phường trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, ký cam kết đối với các hộ gia đình, đơn vị kinh doanh trên các tuyến phố về việc thực hiện không lấn chiếm hè phố để kinh doanh, để xe đúng theo các vạch sơn quy định. Tháo dỡ các mái che, mái vẩy, mái hiên di động, biển dọc, biển vẫy, che chắn các công trình xây dựng, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trên hè phố, lòng đường sai quy định gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, lực lượng chức năng của quận sẽ huy động lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn quận. Đồng thời tập trung giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm sai quy định; các điểm trông giữ phương tiện hoạt động trái phép; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi treo biển quảng cáo trái phép để tạo diện mạo khang trang, văn minh hơn cho địa bàn.