Tạo chuỗi giá trị cho sắn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021 diện tích sắn cả nước có khoảng 528 nghìn héc-ta, tập trung tại năm vùng là: Trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với năng suất sắn bình quân đạt 20,3 tấn/ha, sản lượng gần 10,7 triệu tấn. 

Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn (Ảnh: Trình Kế).
Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn (Ảnh: Trình Kế).

Cây sắn từ chỗ là cây lương thực đã và đang trở thành cây công nghiệp và là nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Tinh bột sắn và sắn lát đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của nước ta.

Một số tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được chuyển giao, đưa vào sản xuất nhiều giống sắn cao sản có năng suất, chất lượng tốt, quy trình canh tác sắn bền vững, quản lý dinh dưỡng đất, phòng trừ sâu bệnh…

Tạo chuỗi giá trị cho sắn -0
Cây sắn ở Phú Yên (Ảnh: Trình Kế). 

Tại tỉnh Phú Yên, sắn là một trong ba cây trồng chủ lực của địa phương, được trồng tập trung tại ba huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Hiện nay, cây sắn đang góp phần mang lại thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cho người dân. Để phát triển cây sắn, nhiều năm qua UBND tỉnh đã sớm quy hoạch, phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp các công ty, nhà máy phát triển và ổn định vùng nguyên liệu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, tinh bột. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 28 nghìn héc-ta sắn, năng suất bình quân đạt 21,18 tấn/ha, sản lượng khoảng 534 nghìn tấn.

Mặc dù vậy, việc phát triển cây sắn ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn do thị trường Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước; sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường này, dẫn đến bị động. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng sắn suy kiệt dinh dưỡng; cơ giới hoá trong sản xuất sắn còn hạn chế. Hơn nữa, việc liên kết giữa sản xuất và doanh nghiệp chế biến còn yếu, phát triển hợp tác xã trong ngành hàng sắn còn nhiều bất cập.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cả nước hiện có khoảng 300 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có các thành viên là những hộ trồng sắn. Tuy nhiên, vai trò của các hợp tác xã này đối với chuỗi giá trị sắn rất mờ nhạt; liên kết giữa nhà máy chế biến với hợp tác xã chủ yếu là thông tin về giống, giá cả thu mua sản phẩm, sự phối hợp về cung ứng giống thông qua dịch vụ, đào tạo kỹ thuật. Trên thực tế, người trồng sắn vẫn muốn có sự ràng buộc với nhà máy, giúp định hướng sản xuất, ổn định đầu ra cũng như chia sẻ rủi ro khi gặp những bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, giá cả bấp bênh.

Mặt khác, một số nơi xây nhà máy chế biến chưa gắn với vùng sản xuất, dẫn đến thiếu nguyên liệu hoạt động. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ đang mất cân đối nghiêm trọng giữa công suất chế biến và vùng nguyên liệu. Toàn vùng hiện có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn nhưng công suất chế biến vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu, dẫn đến tranh mua tranh bán nguyên liệu. Tại Phú Yên, diện tích trồng sắn những năm gần đây liên tục tăng, vượt khoảng 2,5 đến 2,6 lần so với quy hoạch của tỉnh.

Diện tích sắn tăng cao là do một số nơi đất chủ yếu là gò đồi không chủ động nguồn nước nên chỉ trồng được hai loại mía và sắn. Thời điểm giá mía ổn định, người dân bỏ sắn trồng mía và ngược lại. Hơn nữa, cây sắn dễ trồng, đầu tư ít, thích hợp với những địa hình, loại đất mà các cây trồng khác không trồng được.

Ông Trần Sáu ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân cho biết: “Do điều kiện đất đai ở đây nên nông dân chúng tôi chỉ trồng hai loại cây mía và sắn. Mấy năm trước, giá mía sụt giảm xuống dưới 800 nghìn đồng/tấn, người dân bỏ cây mía trồng cây sắn. Nhưng hai năm nay, giá mía lên 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tấn thì lại chuyển sang trồng mía”.

Mới đây, tại hội nghị về thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, để cây sắn phát triển bền vững, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp chế biến cần tăng cường nghiên cứu đưa những giống sắn mới năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh vào sản xuất; tăng cường tổ chức sản xuất theo hướng giảm chi phí, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo vệ môi trường và liên kết sản xuất bền vững; tiếp tục đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ tiêu thụ trong nước phục vụ công nghiệp thực phẩm, sản xuất Ethanol, thức ăn chăn nuôi.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc du nhập và khảo nghiệm các giống sắn phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương; áp dụng rộng rãi quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp IPM; trồng rải vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; tăng cường xây dựng các vùng thâm canh sắn tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất...