Tạo bước ngoặt cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất cả nước. Sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, sự hỗ trợ đến từ Nhà nước, chính quyền thành phố, các tổ chức, quỹ đầu tư là yếu tố giúp hệ sinh thái này ngày càng phát triển vững mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng nuôi cấy mô tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Phòng nuôi cấy mô tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của một nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startups, vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các nhà khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh so với cả nước chiếm tỷ lệ cao. Năm 2021, thành phố thu hút được 837 triệu USD, chiếm 52%; năm 2022 là 591 triệu USD, chiếm 81% và sáu tháng năm 2023 được 215 triệu USD, chiếm 43% so với cả nước.

Kỳ vọng từ chính sách đặc thù của thành phố

Tuy Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả tích cực, nhưng khi đặt lên “bàn cân” quốc tế, tính hiệu quả cũng như sự lan tỏa của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn khoảng cách nhất định. Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Những chính sách này được ứng dụng cho hai nhóm: các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Nhà nước sẽ tập trung vào các nội dung về ý tưởng; giai đoạn nghiên cứu và phát triển; tiền ươm tạo; ươm tạo; tăng tốc; phát triển, tăng trưởng, nhân rộng mô hình. Ðáng lưu ý là Nhà nước ưu tiên hỗ trợ giai đoạn rủi ro cao nhất, tức giai đoạn từ ý tưởng đến sản phẩm.

Cũng theo bà Phan Thị Quý Trúc, các chính sách phối hợp với cộng đồng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chia thành bốn nhóm chính: Thứ nhất, thành phố ưu tiên hỗ trợ tổ chức các khóa huấn luyện để nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thứ hai, tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Nghị quyết 98) cho các trường đại học và các tổ chức ươm tạo. Cuối cùng là phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (theo Nghị quyết 98).

Theo Ðiều 8 (Nghị quyết 98), có bốn nhóm được hỗ trợ trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhóm chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các thành phần chủ chốt trong hệ sinh thái (các nhà khởi nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo). Nhóm chính sách miễn thuế chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân có đầu tư khởi nghiệp, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hướng đến mục tiêu cuối cùng là thu hút quỹ đầu tư về thành phố.

Nhóm chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, khu tập trung dịch vụ công nghệ thông tin, trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ cơ chế thử nghiệm mà không thông qua đơn vị trung gian. Nhóm chính sách về các khoản hỗ trợ kinh phí không hoàn lại từ ngân sách thường xuyên của thành phố hướng đến mục tiêu tạo nguồn tài trợ cho những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Với chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, cộng với sự nỗ lực và năng động từ khu vực kinh doanh, trong 5 năm tới, chúng ta có thể tạo nên bước ngoặt cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Phan Thị Quý Trúc nhấn mạnh.

Chìa khóa thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay cần quan tâm đến việc thực hành tiêu chuẩn, chất lượng. Phải để các nhà khởi nghiệp học cách nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó, khi đưa ra thị trường, sản phẩm sẽ phát triển bền vững và đạt được những yếu tố cần thiết. Ngoài ra, việc xác định năng lực là điều không thể thiếu, đó là tiền đề để biết doanh nghiệp đang ở đâu trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Khi triển khai chương trình xúc tiến thương mại, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp luôn quan tâm tới nhiều vấn đề, từ đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm đến tác động xã hội, lợi ích cộng đồng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần liên kết phát triển chuỗi, kênh phân phối và không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, quản lý, công nghệ...

Bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Trung tâm là một trong những đơn vị làm nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Về hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, đơn vị thực hiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ và kết nối thị trường với kinh phí hầu như được Nhà nước hỗ trợ. Ðối với ươm tạo công nghệ, hỗ trợ các cơ sở máy móc, hạ tầng, phòng lab dành cho các ý tưởng chuyên về nông nghiệp, công nghệ sinh học.

Hiện tại, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đang đồng hành các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực: nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ vi sinh, chế biến sau thu hoạch, thủy sản, canh tác, sản xuất phân bón và chế phẩm sinh học. Ðến nay, Trung tâm đã hỗ trợ hơn 500 sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp đang xuất hiện và tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ số và sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội, doanh nghiệp khởi nghiệp còn phải chủ động học cách đem sản phẩm quảng bá đến với nhiều người, tìm cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Hiện, phát triển bền vững là xu thế của thế giới, nếu các mô hình khởi nghiệp có thể nhấn mạnh yếu tố xanh như: sự phát triển bền vững, kinh tế xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh, nông nghiệp xanh thì sẽ thu hút được nhiều quỹ đầu tư hơn. Ðể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể bứt phá được hết tiềm năng, “chìa khóa thành công” nằm ở bản lĩnh của nhà khởi nghiệp và sự đồng hành của Nhà nước, các trung tâm kết nối, hỗ trợ.