Tạo bước đột phá phục vụ xuất, nhập khẩu

Sau thời gian thử nghiệm, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu qua biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng nền tảng cửa khẩu số vào kiểm tra, giám sát thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc, Lạng Sơn).
Ứng dụng nền tảng cửa khẩu số vào kiểm tra, giám sát thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc, Lạng Sơn).

Hiện nay, 100% các xe hàng khai báo và xử lý thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số khi thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng).

Hiện đại hóa xuất, nhập khẩu qua nền tảng số cửa khẩu

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ, có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển xuất, nhập khẩu của cả nước qua địa bàn và đầu cầu quan trọng kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và Hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Chính vì vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2021 kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn vẫn tiếp tục khẳng định vai trò rất quan trọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn ước thực hiện 4.270 triệu USD, đạt 138,6% kế hoạch, tăng 52% so với năm 2020. Trong khoảng 5 năm qua, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu kinh tế cửa khẩu luôn chiếm khoảng 53% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.

Phó Trưởng Ban quản lý cửa khẩu Ðồng Ðăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Trước đây, các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến bãi tại cửa khẩu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tác nghiệp tại cửa khẩu, cụ thể: Lực lượng hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan; lực lượng bộ đội biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; kiểm dịch thực vật sử dụng phần mềm của Cục Bảo vệ thực vật; kiểm dịch động vật đang được thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia.

Tuy nhiên, các hệ thống công nghệ thông tin này rời rạc, không có sự liên thông, gắn kết với nhau, thiếu sự tổng thể. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đến từng cửa để thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu và phần lớn vẫn khai báo giấy. Các giấy tờ khai báo sẽ được các lực lượng chức năng nhập vào phần mềm để quản lý. Các doanh nghiệp vẫn phải luân chuyển các giấy tờ đã được các lực lượng chức năng xác nhận trước đó để làm các thủ tục tiếp theo. Ðây là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu, phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch,…

Trước tình hình trên, để đáp ứng nhu cầu công việc, tỉnh đã quyết định tạo bước đột phá xây dựng nền tảng cửa khẩu số. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng cho biết: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ra Nghị quyết số 49/NQ/TU, ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó triển khai với 5 trụ cột chính là: chuyển đổi số trong cơ quan đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số.

Sau gần một năm triển khai, đến nay Lạng Sơn đã tạo ra một nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Cloud) và bảo đảm về an toàn thông tin giúp doanh nghiệp, các lực lượng chức năng thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất để giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.

Ðiều này cũng tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu tốt hơn.

Tạo bước đột phá phục vụ xuất, nhập khẩu ảnh 1

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra việc ứng dụng nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Hiệu quả từ mô hình

Chi Cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Nguyễn Tiến Bộ cho hay: Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động đã giảm bớt rất nhiều thời gian, thủ tục, công sức cũng như khối lượng công việc của công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc tại các cửa khẩu. Khi áp dụng nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần và các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê.

Ðó là sự chuyển biến lớn so với trước đây, mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trung bình doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải “chạy đi, chạy lại” nhiều nơi. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập liệu chậm dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng.

Giờ đây, các doanh nghiệp không cần đến tận nơi để kê khai xuất, nhập khẩu, bởi trên ứng dụng cửa khẩu số đã có sẵn tính năng này; doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa, việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và được xử lý ra sao sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dù còn phát sinh vướng mắc, song hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình áp dụng nền tảng cửa khẩu số. Ngoài ra, trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng nền tảng cửa khẩu số sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm cho các cán bộ tác nghiệp tại cửa khẩu.

Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thanh Vân phấn khởi nói: “Nền tảng cửa khẩu số trên điện thoại hoạt động khá tiện lợi, các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và không cố định thời gian nên rất thuận tiện, hoạt động của cửa khẩu cũng được công khai, minh bạch. Khu vực cửa khẩu bây giờ hạn chế việc tụ tập đông người đợi nhập dữ liệu, kê khai giấy tờ, từ đó giảm thời gian phát sinh cũng như ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.

Phó Cục Trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn Vi Công Tường cung cấp thêm thông tin: Ước tính, hiện nay tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động; từ khi triển khai nền tảng cửa khẩu số đến nay, các doanh nghiệp đã hoàn thành khai báo thông tin trực tuyến và xử lý khoảng 30.000 phương tiện xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Ðể tạo thuận lợi nhất cho các chủ hàng, doanh nghiệp, tại các khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đều bố trí lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, đại lý hải quan để sẵn sàng xử lý ngay những vấn đề phát sinh. UBND tỉnh Lạng Sơn thành lập Tổ công tác liên ngành kịp thời chỉ đạo xử lý vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm nền tảng cửa khẩu số, để hoạt động xuất, nhập khẩu được thông suốt và không bị ách tắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chia sẻ: Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn là dự án đầu tiên trên cả nước về chuyển đổi số cho khu vực cửa khẩu nên trong quá trình thực hiện không hề có hình mẫu, quy định, hướng dẫn nào có thể tham chiếu, học hỏi được. Song bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh cũng như sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các cơ quan nhà nước, nền tảng cửa khẩu số đã được khẩn trương thực hiện. Ðiều đó thể hiện rõ nét hình ảnh một chính quyền “kiến tạo, hành động, vì nhân dân”.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai nền tảng cửa khẩu số của tỉnh còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa thực hiện được việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chưa thực hiện được chức năng nhận dạng tự động đối với người ra vào khu vực cửa khẩu...

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, tối ưu các chức năng bổ sung của nền tảng cửa khẩu số; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên nhóm Zalo để hướng dẫn sử dụng và tiếp nhận các thông tin, phản ảnh của doanh nghiệp trong việc sử dụng nền tảng cửa khẩu số, tổng hợp tất cả các kiến nghị, vướng mắc, phát sinh trong quá trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số của doanh nghiệp; khắc phục và xử lý ngay tại chỗ đối với những kiến nghị, đề xuất có thể giải quyết được ngay, còn lại yêu cầu viễn thông Lạng Sơn điều chỉnh, bổ sung cập nhật trên hệ thống ngay trong ngày. Ðồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để đồng bộ, liên thông dữ liệu với nền tảng cửa khẩu số của tỉnh...