Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe (ECLAC) dự báo, khu vực này sẽ có mức tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 6,9% của năm ngoái. Mặc dù nằm ngoài khu vực này, Mỹ và Canada cũng ghi nhận hiện tượng tương tự.
Quý I/2022, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,4% so với quý IV/2021. Tuy nhiên, chuyên gia Connel Fullenkamp của Đại học Duke chỉ ra rằng đây chỉ là dấu hiệu giảm tốc chứ không phải suy thoái kinh tế, vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất thấp và chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này đang tăng mạnh.
Chia sẻ quan điểm trên, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Brian Deese khẳng định, nước Mỹ đang trong quá trình “chuyển đổi” giữa “lần phục hồi kinh tế mạnh nhất trong lịch sử hiện đại” của nước này và thời kỳ “ổn định hơn” mặc dù với số liệu thấp hơn. Khía cạnh đáng lo ngại nhất của Mỹ hiện nay là mức lạm phát 8,5%, cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây.
Về phần mình, GDP của Canada tăng 0,8% trong quý đầu tiên của năm so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng với mức phát triển 3,1%/năm. Ngân hàng Trung ương Canada dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II/2022.
Mexico cũng ghi nhận dấu hiệu tương đối tích cực khi GDP 3 tháng đầu năm nay tăng 1% so với cùng kỳ 2021. Bộ Tài chính Mexico ước tính GDP của nước này sẽ tăng 3,4% trong năm 2022, trong khi một số đơn vị tư nhân đưa ra mức dự báo khiêm tốn hơn là 1,73%. Theo Giám đốc phân tích kinh tế của công ty Banco Base, Gabriela Siller, “so sánh số liệu của quý đầu tiên của năm 2022 với GDP của năm 2019, thời điểm trước đại dịch, vẫn có độ trễ 2,5%”.
Trước những thăng trầm của nền kinh tế khu vực, đặc biệt là sau tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Argentina đối mặt thêm 1 kịch bản kinh tế trì trệ. Giám đốc công ty tư vấn LP Consulting, Leonardo Piazza, dự đoán “GDP năm 2022 sẽ không tăng trưởng quá 3,5% và lạm phát từ 65% đến 70%”. Ông nhận định hoạt động kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong những tháng tới do lạm phát cao “ăn mòn” thu nhập hộ gia đình.
Theo thỏa thuận tái cấp vốn mà Tổng thống Argentina Alberto Fernández và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ký tháng 3 vừa qua về 1 khoản vay trị giá 44 tỷ USD, Argentina sẽ tăng trưởng trong năm nay từ 3,5% đến 4,5%, rất thấp so với mức phục hồi 10,3% đạt được năm 2021. Công cụ ước tính hằng tháng về hoạt động kinh tế ở Argentina đã tích lũy mức tăng thường niên là 6,1% trong 3 tháng đầu năm. Bộ Phát triển năng suất Argentina mới đây cho biết nền kinh tế nước này trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng 1% so với quý trước.
Colombia cũng ghi nhận mức tăng trưởng 1% trong quý I/2022, nhưng so với mức tăng lần lượt 2,5% và 6,4% của quý IV và III năm trước, vẫn dễ dàng nhận thấy nền kinh tế đang trên đà giảm tốc.
Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ La-tinh, tăng trưởng 1,7% trong quý đầu tiên của năm nay, sau khi ghi nhận mức tăng GDP 4,6% trong cả năm 2021. Chính phủ Brazil dự báo mức tăng trưởng 1,5% cho năm 2022, trong khi Ngân hàng Trung ương nước này chỉ kỳ vọng tăng 1%.
Nền kinh tế Peru đã tăng trưởng 3,84% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 3, GDP của Peru tăng 3,79%. Những dữ liệu khả quan này cho phép chính phủ ước tính mức tăng trưởng 3,6% cho năm nay, một trong những con số cao nhất khu vực.
Chile ghi nhận mức tăng trưởng 7,2% trong 3 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ thương mại và dịch vụ cá nhân. Sau khi GDP phục hồi tới 11,7% năm 2021, mức cao nhất trong 4 thập kỷ, nền kinh tế Chile đang có dấu hiệu hạ nhiệt và ghi nhận tình trạng lạm phát chưa từng có kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đầu tháng 5, Chính phủ Chile đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 từ 3,5% được xuống 1,5% và nâng ước tính lạm phát lũy kế trong 12 tháng lên 8,9%.