Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt tốc độ tăng 14%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 45% trong GRDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm 59%. Thành phố đã thực hiện 14/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Cùng với đó, thành phố đã vận động hiệu quả để UNESCO công nhận Quần đảo Cát Bà-Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hải Dương giảm 862 ha diện tích vụ đông xuân
Vụ đông xuân năm 2023-2024, tỉnh Hải Dương xây dựng kế hoạch gieo trồng 63.600 ha lúa và rau màu, giảm 862 ha so với vụ đông xuân năm trước. Theo dự báo, vụ đông xuân năm 2023-2024 sẽ có nền nhiệt cao hơn trung bình mọi năm, nguồn nước trên các sông giảm, gây khó khăn cho sản xuất. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương khuyến cáo nông dân các địa phương giảm diện tích gieo cấy trà xuân sớm và tăng tối đa diện tích trà xuân muộn.
Các cơ quan chuyên môn và các địa phương cần chủ động lấy nước làm đất và tưới dưỡng, chọn giống có năng suất, chất lượng cao, chống chịu dịch bệnh, sản xuất vùng tập trung.
Thái Bình đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
Nhằm đưa du lịch địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trong hơn một năm nay tập trung triển khai Đề án gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Du khách tham quan đầm sen Vân Đài, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. |
Mục tiêu của đề án nhằm khai thác thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch về nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, là ưu tiên lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, hai huyện Vũ Thư và Hưng Hà là điểm sáng trong triển khai Đề án bởi có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này, với hàng loạt tour du lịch đồng quê hấp dẫn, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách thập phương đến trải nghiệm, khám phá.
Tỉnh Bắc Ninh sẽ có bốn thành phố trước năm 2030
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt, đặt ra mục tiêu phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
Toàn tỉnh có bốn thành phố gồm: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; hai thị xã: Quế Võ, Thuận Thành và hai huyện: Lương Tài, Gia Bình. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 8-9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.
Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.