Tăng tốc, tập trung cao độ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia

NDO -

Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tổ chức sáng 29/6 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến tới 52 điểm cầu trên toàn quốc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh đến vấn đề tăng tốc, tập trung cao độ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. 

Hội nghị diễn ra trực tuyến với sự tham dự của 53 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội nghị diễn ra trực tuyến với sự tham dự của 53 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

6 tháng đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, trật tự, an toàn xã hội, độc lập chủ quyền được giữ vững… tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo đó cũng có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Con số này bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Kể từ năm 2021, các chính sách dân tộc hầu hết được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Một số chính sách còn hiệu lực vẫn tiếp tục được triển khai. 

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2022, 19 tỉnh vùng đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành 55 chính sách đặc thù riêng, liên quan đến các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn, bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số; lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt... 

Đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn

6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Dân tộc  được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổng số 52 nhiệm vụ. Với phương thức chỉ đạo, điều hành tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát và quyết liệt, đến hết tháng 6, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành 17 nhiệm vụ, 35 nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai.

Trong đó, với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Hà Việt Quân cho biết, 6 tháng đầu năm, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Tổ công tác về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng để tổ chức thực hiện Chương trình trong giai đoạn I (2021-2025). Đến hết tháng 6, đã hoàn thành 9/15 văn bản hướng dẫn. 

Bên cạnh việc nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm của Ủy ban Dân tộc, các đại biểu tham dự tại các đầu cầu Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Đắk Nông... cũng kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành liên quan sớm có các văn bản hướng dẫn; tập trung đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc triển khai Chính phủ điện tử cũng như các chương trình, dự án công nghệ thông tin tại Ủy ban Dân tộc.

Chuyển đổi số trong thực hiện công tác dân tộc 

Ghi nhận sự tham gia đầy đủ của hơn 1.000 đại biểu và sự góp ý tích cực của lãnh đạo các địa phương với những vấn đề nêu ra tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Ủy ban Dân tộc sẽ khẩn trương, phối hợp với các đơn vị có liên quan tháo gỡ và giải đáp các đề xuất, ý kiến của đại biểu về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chuyển đổi số. Hiện, việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đã được các đơn vị liên quan tích cực thực hiện. Theo kế hoạch, sang tháng 7, các Thông tư hướng dẫn sẽ được hoàn thiện và gửi cho các địa phương. 

Tăng tốc, tập trung cao độ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. 

Về phía các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên; trong 6 tháng cuối năm 2022, các địa phương cần tăng tốc, tập trung cao độ, quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, việc thực hiện phải bảo đảm đúng các quy định liên quan, khẩn trương, hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, các cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tập trung triển khai có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách; nắm rõ tình hình vùng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu… Ông cũng nhấn mạnh tới vai trò, lợi ích quan trọng của chuyển đổi số trong thực hiện công tác dân tộc, đồng thời yêu cầu cần hệ thống hóa chiến lược chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành, chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng tốc, tập trung cao độ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia -0
Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực công tác dân tộc.  

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh chia sẻ về Chiến lựơc Chuyển đổi số quốc gia, những nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Để chuẩn bị cho chuyển đổi số cho vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới, các bộ ngành, đơn vị chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hạ tầng số cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, bao gồm: phát triển các nền tảng cho đồng bào dân tộc; phổ cập điện thoại thông minh; phủ sóng băng rộng và di động. 

Song song với đó, chuẩn bị nhân lực số-kỹ năng số cho đồng bào thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng thôn bản; bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác dân tộc hằng năm; tăng cường vận động đồng bào tham gia các dịch vụ công tuyến; triển khai các dịch vụ công trực tuyến bằng tiếng dân tộc; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho đồng bào dân tộc thiểu số; phổ cập việc học trực tuyến cho các địa phương vùng sâu, xa để giảm khoảng cách về giáo dục…