Tăng tốc phát triển các khu công nghiệp tại vùng đồng bằng sông Hồng

NDO - Ngày 3/12, tại thành phố Hải Phòng diễn ra Hội thảo “Kinh nghiệm quản lý, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng”, với sự tham dự của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các khu công nghiệp, khu kinh tế của 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế ở các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã thảo luận về những điểm mới trong Nghị định 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Đây được coi là bước đột phá về cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khơi thông phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay.

Các đại biểu cũng trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là việc chậm trễ trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, thành phố.

Điều đó ảnh hưởng lớn tới việc phát triển các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp chưa có trong Quy hoạch phát triển khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây….

Cùng với đó, Nghị định số 35 của Chính phủ quy định về việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp mua thuê, thuê mua nhà ở để cho người lao động thuê, mua lại, thuê lại.

Trong khi đó, Luật Nhà ở lại chỉ quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có đối tượng là tổ chức. Điều đó khiến các doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội tiếp cận theo hình thức này để bố trí nhà ở cho công nhân, lao động.

Tăng tốc phát triển các khu công nghiệp tại vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 1
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) đang hướng tới xây dựng mô hình Khu công nghiệp sinh thái.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là phát triển khu công nghiệp sinh thái, thu hút đầu tư trong tình hình mới.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vũ Văn Chung cho hay, trong thời gian qua, khi tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài thu hẹp, song thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 11 tháng qua vẫn đạt trên 25 tỷ USD.

Trong đó, riêng khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm tới 33% số dự án và trên 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; có 3 địa phương trong vùng lọt vào top 10 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.

Trước tình hình kinh tế thế giới thời gian tới dự báo còn nhiều khó khăn, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng cần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ nhau để phát triển và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết này, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đồng bằng sông Hồng đặt ra khá lớn: GDP của khu vực phải đạt khoảng 9%/năm và quy mô phải tăng 3 lần so với năm 2020.

Do vậy, các khu công nghiệp, khu kinh tế và các địa phương cần nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng mạnh việc thu hút nguồn lực cho phát triển cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ trong thu hút đầu tư, tránh chồng chéo và những hoạt động có thể làm bất lợi cho quá trình thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung cũng như cho từng địa phương nói riêng.