Tăng tốc giải ngân đầu tư công

NDO -

Giải ngân vốn đầu tư công đã và đang là áp lực và là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của năm 2020. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết; Thủ tướng ra chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này… 

(Ảnh minh họa: NDĐT)
(Ảnh minh họa: NDĐT)

Theo Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm 2019 cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 32,3% kế hoạch Quốc hội giao; trong đó, 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch (TP HCM giải ngân được 26% và Hà Nội cũng chỉ đạt gần 25% kế hoạch). Trong bảy tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước bảy tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; TP. Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%...

Nghịch lý lớn đang xảy ra trên bình diện quốc gia, trong khi khu vực kinh tế tư nhân luôn “khát” vốn đầu tư; Nhiều doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo tìm cách có được vốn (kể cả với lãi suất cao) để triển khai dự án đầu tư mới hoặc mở rộng, thì ở khu vực công, các dòng vốn ngân sách, thực chất cũng là dòng vốn quý giá xã hội, cứ đủng đỉnh và vô tư chậm tiến độ và được biện minh với mọi lý do đa dạng và bất khả kháng…?!

Những nguyên nhân chủ quan cần được nhận diện và xử lý nghiêm khắc, đặc biệt là sự chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và trong hoàn tất thủ tục để rút vốn từ Kho bạc; Các đơn vị và cá nhân có biểu hiện vô cảm, nhũng nhiễu, cản trở và tắc trách, tính toán kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế từng bộ, ngành địa phương; đồng thời, chậm trễ trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án, trong khi; Các đơn vị và cá nhân có trách nhiệm lập ra các dự án với chất lượng thấp, cốt chỉ để xếp hàng xin vốn, chạy theo chủ nghĩa thành tích hoặc tiếng gọi của lợi ích nhóm, hay tư duy nhiệm kỳ (trong phiên chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 15-8-2019 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV, có đại biểu Quốc hội đã đưa ra con số cả nước có gần 1.800 dự án đầu tư công vi phạm thủ tục đầu tư, gây thất thoát lãng phí nguồn lực Nhà nước). Đồng thời, đâu đó còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh và trì hoãn đưa ra các quyết định cần thiết liên quan trong thẩm quyền, vì sợ trách nhiệm hoặc chưa nhận đủ lợi ích cá nhân…

Cả về pháp lý và đạo lý, sự vô cảm và các yếu kém trong quản lý đầu tư của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến giải ngân đầu tư công là vấn đề nghiêm trọng phải được xoá bỏ nhanh và triệt để…

Những giải pháp tháo gỡ nút thắt của sự trì trệ này cũng được chỉ ra, nổi bật là: Rà soát, làm rõ nguyên nhân và kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Bộ Kế hoạch & Đầu tư chịu trách nhiệm điều chuyển theo thẩm quyền, hoặc tổng hợp báo cáo Thủ tướng về những dự án không có khả năng giải ngân và thu hồi số vốn không có khả năng giao kế hoạch năm; Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng về các vướng mắc trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và công tác đàm phán hiệp định từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực; nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán. 

Các đơn vị này được quyền xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, Chính phủ cần rà soát lại danh mục các dự án, chọn ra những dự án cấp bách để tập trung nguồn vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện trước. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tại các địa phương cần phát huy vai trò giám sát của mình đối với các dự án đã nằm trong kế hoạch đầu tư công được phê duyệt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng…

Đặc biệt, để thúc đẩy công tác đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2020, hiện Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả. Từ tháng 8-2020, việc điều chuyển vốn của những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công những dự án đủ điều kiện và có chất lượng cao là trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.