Tăng tính ràng buộc và trách nhiệm của chủ vốn FDI

Ba tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có dấu hiệu khả quan khi duy trì được tốc độ giải ngân của năm 2010. Trong đó, riêng tháng 3 vừa qua, vốn FDI giải ngân đạt 1,4 tỷ USD, tăng 27% so với vốn giải ngân của tháng 1 và tháng 2 cộng lại.

Nhà máy sản xuất xe máy thứ hai tại Việt Nam của Tập đoàn Piaggio (I-ta-li-a) vừa chính thức khởi công xây dựng tại Vĩnh Phúc, khởi đầu giai đoạn đầu tư thứ hai của Tập đoàn này vào Việt Nam. Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam Cô-xtan-ti-nô Sam-buy cho biết, sở dĩ Tập đoàn này quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam là do đánh giá tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn. Kể từ khi đưa nhà máy thứ nhất vào hoạt động tháng 6-2009, Piaggio Việt Nam đã luôn hoạt động hiệu quả và hoàn thành vượt các mục tiêu đề ra. Nhờ những kết quả tích cực này, Tập đoàn quyết định đẩy mạnh hoạt động đầu tư của mình tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chiến lược, nhằm tăng cường sự hiện diện của Piaggio tại thị trường châu Á.

Dự án đầu tư nêu trên của Piaggio chỉ là một trong nhiều dự án FDI đang được tích cực triển khai. Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), ba tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện duy trì mức tăng ổn định, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2010. Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài Ðỗ Nhất Hoàng cho rằng, số vốn FDI giải ngân trong quý I vừa qua còn cao hơn số vốn FDI đăng ký (2,37 tỷ USD), cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Lượng vốn FDI giải ngân mỗi năm được duy trì ổn định từ 10 đến 12 tỷ USD trong suốt thời gian qua. Ðây là kết quả của cả quá trình vận động, xúc tiến đầu tư; cải thiện  hình ảnh, môi trường đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền tới chính quyền địa phương...

Theo Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam Cô-xtan-ti-nô Sam-buy, việc triển khai dự án đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam đã được chính quyền địa phương cũng như các cơ quan trung ương hỗ trợ tích cực. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà Piaggio gặp phải trong quá trình triển khai đầu tư là tìm kiếm các doanh nghiệp phụ trợ. Hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính rườm rà, nguồn nhân lực trình độ thấp... thường được coi là những điểm nghẽn, cản trở quá trình thực hiện các dự án FDI tại Việt Nam. Song, gần đây, không ít nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về tình trạng thiếu điện. Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng thừa nhận, việc thiếu điện sẽ gây khó khăn lớn cho việc duy trì sản xuất và kinh doanh ổn định của các doanh nghiệp FDI, nhất là đối với kế hoạch tiếp tục triển khai trong ngắn hạn của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghệ. Mặc dù vậy, đây chỉ là khó khăn tạm thời và hoàn toàn không phải là rào cản lâu dài đối với việc giải ngân của các dự án FDI tại Việt Nam bởi thiếu điện chỉ là hiện tượng tạm thời do việc chậm tiến độ thực hiện của các nhà máy điện. Chính phủ đã tập trung quyết liệt để sớm đưa các nhà máy điện vào hoạt động, khi các nhà máy này đi vào hoạt động sẽ cung cấp đủ điện năng đáp ứng nhu cầu.

Vừa qua, một loạt các dự án FDI với số vốn đầu tư 'khổng lồ' chậm triển khai so với quy định đã bị nhiều địa phương kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Việc rà soát, kiểm tra các dự án FDI để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đang được chính quyền các địa phương phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư triển khai. Theo Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng, giai đoạn 2006-2010, có hiện tượng một số dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam với vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và công nghiệp nặng chậm tiến độ so với đăng ký ban đầu. Các dự án quy mô lớn này thường được thực hiện bởi các tập đoàn lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia hoặc cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế. Do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư quốc tế phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên triển khai các dự án thuộc ngành nghề chủ đạo hoặc được thực hiện tại chính quốc nên có trào lưu hoãn, giãn tiến độ các dự án hoặc tìm cách chuyển nhượng lại các dự án đang triển khai tại các nước khác, nhất là các dự án cần vốn đầu tư lớn, rất khó tìm được nguồn tài chính trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Theo pháp luật về đầu tư, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không triển khai trong vòng 12 tháng sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án được cấp đất mà không triển khai trong vòng 12 tháng hoặc chậm triển khai trong vòng 24 tháng sẽ bị thu hồi đất. Ðây chính là căn cứ để các cơ quan nhà nước xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án vi phạm về tiến độ. Việc đăng ký và triển khai các dự án FDI của các nhà đầu tư cần được triển khai theo quy trình, thủ tục đơn giản, thuận tiện nhưng cũng cần bị hạn chế và ràng buộc chặt chẽ về tiến độ triển khai, nếu không đáp ứng yêu cầu, sẽ bị thu hồi dự án, thu hồi đất để dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác có đủ điều kiện.

Ðể tăng tính ràng buộc và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các dự án lớn đã đăng ký, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã đưa ra một số biện pháp trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 108/2006/NÐ-CP, trong đó có việc yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ một khoản tài chính để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện các dự án FDI quy mô lớn. Dự thảo nghị định này đã trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm