Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong năm 2021, cả nước xảy ra gần 11.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 5.800 người, bị thương hơn 8.000 người. So năm 2020, giảm gần 3.500 vụ, gần 1.100 người chết, hơn 3.100 người bị thương.
Có 55 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ năm 2020; trong đó, 7 địa phương giảm hơn 30% số người chết là An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh và Vĩnh Long, đặc biệt 2 tỉnh An Giang và Sơn La giảm hơn 40%. Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang và Thái Bình.
Ông Khuất Việt Hùng nhận định, tuy tai nạn giao thông giảm sâu, song trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng so cùng kỳ năm 2020; mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng mức độ giảm của lưu lượng phương tiện,…
“Thời gian qua còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá tải trọng, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, đi mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm còn phổ biến. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọngˮ, ông Hùng đánh giá.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông; không ít người cố tình vi phạm do tâm lý cho rằng lực lượng chức năng phải phân tán lực lượng để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2021 vừa qua, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí so cùng kỳ là nỗ lực đáng ghi nhận của cả thệ thống chính trị, các địa phương và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn còn xảy ra hơn 11 nghìn vụ tai nạn giao thông, có nghĩa là vẫn còn tới gần 40 vụ/ngày, chủ yếu trên đường bộ. Số người chết tuy có giảm nhưng con số 5.799 chết vẫn là rất lớn và đau thương.
Vì thế các bộ, ngành, địa phương cần phân tích sâu hơn nữa nguyên nhân và có giải pháp để quyết liệt kéo giảm tai nạn giao thông trong điều kiện năm 2022 quay trở lại bình thường mới. Vì vậy công tác bảo đảm an toàn giao thông cần đặc biệt quan tâm, nhất là tại các thành phố lớn, cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Phải xây dựng văn hóa giao thông an toàn đến các tầng lớp nhân dân; trong đó, hệ thống truyền thông đóng vai trò quan trọng nên cần tăng thời lượng tuyên truyền an toàn giao thông vào giờ cao điểm.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu ngành giao thông đẩy nhanh tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy. Chúng ta có hệ thống đường sắt nhưng sử dụng để giảm tải cho đường bộ chưa hiệu quả, lãng phí hệ thống đường sắt, nhất là tuyến chuyên chở hàng hóa. Các tuyến vận tải đường bộ bằng xe container, xe vận chuyển hàng hóa trọng tải lớn còn nhiều, là nguyên nhân khiến chất lượng hệ thống đường bộ giảm chất lượng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giao thông đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm, nhất là cao tốc bắc-nam; xử lý các “điểm đen” tai nạn; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt,...
Năm 2022, dự báo dịch Covid-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế-xã hội phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông vận tải quay về với nhịp độ sôi động như trước khi xảy ra dịch và tiếp tục gia tăng. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lồng ghép vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành khác. Đồng thời, tái cơ cấu vận tải hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh, nhằm giảm thiểu các tiêu chí về tai nạn giao thông một cách bền vững.