Tăng mức hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp rủi ro

NDO -

Theo quy định mới ban hành, một số mức hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải về nước trước thời hạn do gặp rủi ro tăng so với trước đó.

Tăng mức hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp rủi ro

Doanh nghiệp, người lao động cùng đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Fund for Overseas Employment Support - FES) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Hội đồng quản lý Quỹ có 5 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên làm việc theo chế độ chuyên trách, hoặc kiêm nhiệm, do Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội bổ nhiệm.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (sau đây gọi tắt là Quỹ) thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp) đóng góp 150.000 đồng/người lao động/hợp đồng vào Quỹ. Khoản đóng góp này được hạch toán vào chi phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp.

Căn cứ đóng góp Quỹ là hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động.

Định kỳ hằng tháng, doanh nghiệp trích nộp đóng góp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào Quỹ theo số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng của doanh nghiệp, chậm nhất là ngày 10 của tháng tiếp theo,

Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp vào Quỹ 100.000 đồng/người với mỗi hợp đồng.

Người lao động đóng trực tiếp bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản vào Quỹ chậm nhất 3 ngày trước thời điểm xuất cảnh, hoặc chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo chấp thuận đăng ký hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh.

Nếu người lao động đóng góp Quỹ thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, các đơn vị này thu và chuyển toàn bộ số tiền đóng góp của người lao động trong tháng vào tài khoản của Quỹ.

Tăng nhiều mức hỗ trợ nếu lao động gặp rủi ro

Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg nêu rõ, người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp.

Người lao động được hỗ trợ khi đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đầy đủ, áp dụng hỗ trợ tính từ thời điểm họ đóng góp Quỹ.
Người lao động được hỗ trợ 1 lần với từng nội dung hỗ trợ quy định tại Quyết định này cho 1 lần đóng góp Quỹ.
Một số các nội dung quy định tại của Quyết định này chỉ áp dụng với các vụ, việc phát sinh trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nếu người lao động đã hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ các chương trình, dự án, chính sách thuộc ngân sách nhà nước, thì không hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg và ngược lại.

Trước đó, theo quy định tại Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 144/2007), người lao động gặp rủi ro như trên chỉ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp.

Trong trường hợp phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác, người lao động được hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp.

Trong trường hợp phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ cho người lao động cũng từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng với mỗi trường hợp.

Quyết định cũng hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50 triệu đồng/vụ việc. Trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc.

Hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở. Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ cho người lao động.

Quỹ cũng hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/trường hợp. Trước đó, theo quy định tại Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg, mức hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài chỉ là 10 triệu đồng/trường hợp.

Người lao động phải về nước trước hạn quy định có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng. Thời gian tối đa 6 tháng mỗi người cho một khóa học.

Quyết định cũng quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ được hỗ trợ khi đóng góp Quỹ đầy đủ.

Doanh nghiệp được hỗ trợ 1 lần trong 1 năm cho từng thị trường quy định trong Quyết định này.

Doanh nghiệp tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 1 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế.

Doanh nghiệp phải cử nhân viên đi công tác nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc phức tạp, nghiêm trọng liên quan đến tính mạng, nhân phẩm, tài sản hợp pháp của người lao động, các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị trường và việc tiếp nhận lao động Việt Nam nhằm ổn định và phát triển thị trường, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 1 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế.

Hai mức hỗ trợ trên tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác, hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác.

Doanh nghiệp phải đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài khi người sử dụng lao động bị phá sản, không có khả năng thanh toán chi phí và người lao động không được bảo hiểm chi trả, được hỗ trợ 50% chi phí thực tế vận chuyển thi hài, di hài của người lao động từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi người lao động làm việc, về Việt Nam.

Quỹ hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước với các nội dung cụ thể. Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ của đơn vị cung cấp dịch vụ.

Số dư tại thời điểm ngày 31/12/ 2021 của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được thành lập theo Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, được chuyển sang Quỹ được thành lập theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 21/2/2022.

Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện có gần 580 nghìn người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2021, khoảng 45 nghìn lao động nước ta xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lao động và việc làm