Tăng hiệu quả thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ giao từ năm 2016 đến nay (giai đoạn 2016-2023), toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị (trong đó thanh tra chuyên ngành tại 69.282 đơn vị); qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị truy thu đối với gần 570 nghìn lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng…
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ra mắt Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh TÂM TRUNG)
Lễ ra mắt Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh TÂM TRUNG)

Ngày 11/1/2024 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/3/2024) quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; trong đó, nghị định đã quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Với Nghị định nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức được thành lập cơ quan thanh tra. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-BHXH ngày 23/2/2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hiệu quả qua những con số...

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Ngày 1/3/2024 đã trở thành ngày có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đặc biệt quan trọng đối với đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Không chỉ là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Tổng Giám đốc, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức trong ngôi nhà chung “Thanh tra Việt Nam”.

Việc thành lập cơ quan thanh tra ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam là sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội, Chính phủ đối với vai trò, vị thế và sự đóng góp của ngành cho sự nghiệp an sinh xã hội trong suốt 29 năm qua. Để có được thành quả này, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng với 597 người, trong đó tại Trung ương là 40 người đã có rất nhiều nỗ lực, vừa làm tốt nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, vừa chủ động và dày công trong việc tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Năm 2016, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; từ đó đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao.

Trong giai đoạn 2016-2023, toàn ngành đã tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị truy thu đối với gần 570 nghìn lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng; kiến nghị truy thu, thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 23.790 tỷ đồng, đến nay các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện khắc phục số tiền là 18.785 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào việc giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua…

Từ những con số nêu trên cho thấy, việc Quốc hội, Chính phủ giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan Bảo hiểm xã hội và cho phép thành lập Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế.

Nâng cao vị thế, hiệu quả thanh tra chuyên ngành

Quá trình hình thành và phát triển của công tác thanh tra ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trải qua các tên gọi khác nhau, từ tiền thân là Ban Kiểm tra-Pháp chế, đến Ban Kiểm tra, Vụ Thanh tra- Kiểm tra và nay là Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các thế hệ công chức, viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra đã tiếp nối nhau, không ngừng đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng một tập thể vững mạnh, chuyên nghiệp và có nhiều đóng góp quan trọng vào các thành tựu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; trong đó, vừa làm tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao, vừa chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thực hiện…

Trước nhiệm vụ mới, cơ hội mới của ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng nhận định trong thời gian tới, sẽ có không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi tập thể Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thật sự đoàn kết, kế thừa và tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, triển khai toàn diện các nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu sau: Thứ nhất, xây dựng đơn vị vững mạnh, chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, tâm huyết với sự nghiệp phát triển chung, có phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ thanh tra cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng trong sáng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt thì đó mới là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ”.

Thứ hai, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, nhất là các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xây dựng kế hoạch thanh tra, thực hiện thanh tra, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, chia sẻ kết luận.

Thứ ba, qua công tác thanh tra, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật cho phù hợp, nhất là chính sách về an sinh xã hội, quản lý tài chính, quỹ; cần tăng cường và đổi mới hoạt động để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kiểm tra việc thực hiện chính sách, giải quyết, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các đơn vị trong và ngoài Ngành; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên nắm chắc tình hình để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.