Tăng hiệu quả sử dụng xe công

Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô công vụ đã chính thức được luật hóa trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Mới đây, tổng kết quá trình tổ chức thực hiện Luật này, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cũng phát sinh những bất cập, nhất là trong thời gian cả nước chung tay thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Bàn giao xe ô-tô phục vụ công tác cho công an xã ở khu vực biên giới ở Cao Bằng. (Ảnh minh họa: nhandan.vn)
Bàn giao xe ô-tô phục vụ công tác cho công an xã ở khu vực biên giới ở Cao Bằng. (Ảnh minh họa: nhandan.vn)

Do đó, việc cần thiết hiện nay là tiếp tục điều chỉnh luật này cho phù hợp, đồng bộ với các luật liên quan và thực tế đất nước.

Theo số liệu điều tra của Bộ Tài chính, 26 tỉnh, thành phố có diện tích lớn hơn mức bình quân một địa phương trên cả nước là 5.259km2. Với định mức sử dụng xe ô-tô phục vụ công tác chung hiện hành, qua thời gian áp dụng vào thực tế cho thấy quy định này chưa phản ánh đầy đủ địa bàn, phạm vi hoạt động, chưa nói tới tính chất hoạt động, khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả nước.

Quy định lỗi thời, chi phí lớn

Đối với xe ô-tô chuyên dùng, Bộ Tài chính đã phối hợp Bộ Y tế, các bộ liên quan điều tra thực tế và thấy rằng một số loại xe chưa được quy định cụ thể tiêu chí, cách thức xác định, mối quan hệ giữa chủng loại và mục đích sử dụng xe. Hơn nữa, mức giá mua xe được duy trì từ năm 2010, trong khi thời gian sử dụng của xe ô-tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, không còn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công tác, thậm chí độ an toàn kỹ thuật kém đã gây nên một số tai nạn trong quá trình thi hành công vụ.

Trong bối cảnh hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, có thể lưu thông với vận tốc cao, đồng thời bảo đảm an toàn cho xe và người sử dụng xe thì việc điều chỉnh giá mua xe ô-tô phục vụ công tác chung là cần thiết trong phạm vi sử dụng ngân sách nhà nước mua sắm xe công. Thêm vào đó, một số phương thức quản lý xe ô-tô cần điều chỉnh lại nhằm khắc phục tình trạng quản lý chưa linh hoạt, chưa bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Đối với xe ô-tô chuyên dùng, Bộ Tài chính đã phối hợp Bộ Y tế, các bộ liên quan điều tra thực tế và thấy rằng một số loại xe chưa được quy định cụ thể tiêu chí, cách thức xác định, mối quan hệ giữa chủng loại và mục đích sử dụng xe. Hơn nữa, mức giá mua xe được duy trì từ năm 2010, trong khi thời gian sử dụng của xe ô-tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, không còn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công tác, thậm chí độ an toàn kỹ thuật kém đã gây nên một số tai nạn trong quá trình thi hành công vụ.

Xét trên góc độ định mức sử dụng xe ô-tô phục vụ công tác chung, Bộ Tài chính nhận thấy, trong khi xe công phục vụ công tác chung khá thiếu thì xe ô-tô bán tải, xe chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù lại ít được sử dụng, mặc dù xét về thực chất là xe ô-tô từ 4 đến 16 chỗ thông thường.

Hay trong cách xác định định mức sử dụng xe ô-tô phục vụ công tác chung, trong khi các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện tự chủ với yêu cầu ngày càng cao, từng bước có thể tự bảo đảm nguồn kinh phí để trang bị xe (không dùng ngân sách nhà nước để mua xe) thì các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cục/sở/ngành hiện nay tuy không được quy định định mức sử dụng xe, không được trang bị xe ô-tô phục vụ công tác chung, nhưng thực tế nhu cầu sử dụng xe tại nhiều đơn vị lại rất lớn, do đó, nếu bắt buộc phải khoán kinh phí hoặc thuê xe như hiện nay sẽ không đáp ứng yêu cầu công tác.

Đồng thời, chi phí cho việc khoán hoặc thuê xe vẫn lớn, ảnh hưởng tới nguồn kinh phí phục vụ hoạt động chuyên môn của đơn vị. Chính vì vậy, nhiều bộ, địa phương hiện nay đã bổ sung định mức xe chuyên dùng cho các đơn vị này.

Nhiều địa phương phải bổ sung định mức xe ô-tô chuyên dùng cho các đơn vị cấp huyện để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và các hoạt động đặc thù khác của cấp huyện (xe bán tải).

Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ, đáng lưu ý, đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, theo quy định hiện hành thì định mức xe ô-tô phục vụ công tác chung của văn phòng huyện ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND cấp huyện tối đa là 3 xe/huyện (tính chung cho tất cả các văn phòng). Riêng các huyện miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có định mức tối đa là 6 xe/huyện. Tuy nhiên, do phải trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở, người dân, cho nên các huyện có định mức 3 xe cho 3 văn phòng không đáp ứng được yêu cầu công tác.

Nhiều địa phương phải bổ sung định mức xe ô-tô chuyên dùng cho các đơn vị cấp huyện để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và các hoạt động đặc thù khác của cấp huyện (xe bán tải). Thậm chí, một số địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt định mức xe chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù cho cấp huyện. Những bất cập trên đây cần được khẩn trương tháo gỡ để tài sản nhà nước phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, phù hợp với thực tế cuộc sống đặt ra.

Sửa quy định để tăng hiệu quả sử dụng xe công

Tại hội nghị trực tuyến về quản lý, sử dụng xe ô-tô công mới đây được tổ chức giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Bộ Tài chính - với tư cách cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tài sản công - sẽ rốt ráo giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra khi triển khai thực hiện quy định về lĩnh vực này, góp phần bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quan điểm của Bộ là xe ô-tô (cùng với các tài sản khác như trụ sở làm việc, máy móc thiết bị,...) là cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội.

Bộ Tài chính sẽ rốt ráo giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra khi triển khai thực hiện quy định về lĩnh vực này, góp phần bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc)

Việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô dựa trên cơ sở quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng xe công, bảo đảm an toàn cho tài sản và người sử dụng xe ô-tô.

Đồng thời, kế thừa các quy định hiện hành qua thực tiễn triển khai phù hợp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề phát sinh; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức có cơ sở khoa học, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các bộ, địa phương trong việc quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý gắn với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo quy định mới về tiêu chuẩn sử dụng xe ô-tô chức danh, số lượng xe ô-tô trang bị cho từng đơn vị và phương thức quản lý xe; giá mua xe ô-tô phục vụ công tác chung; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô chuyên dùng cũng như phương thức bảo đảm phương tiện phục vụ công tác.

Theo đó, dự thảo lần này sẽ kế thừa các phương thức bảo đảm phương tiện đi lại phục vụ công tác hiện hành (trang bị xe, thuê dịch vụ và khoán kinh phí sử dụng xe ô-tô) nhưng việc quyết định sử dụng theo phương thức nào sẽ do các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế sử dụng xe và điều kiện thuê dịch vụ xe ô-tô tại địa phương để quyết định cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.