Không thể phủ nhận, chính sách quản lý, sử dụng xe ô-tô công thời gian qua đã liên tục được bổ sung, sửa đổi, trở thành cơ sở quan trọng để rà soát, sắp xếp xe công; số lượng xe phục vụ công tác chung giảm mạnh; xe dôi dư được xử lý kịp thời. Việc một số bộ, ngành, địa phương đã và đang nghiên cứu áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội,… cho thấy cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 về Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập; trong đó xe chuyên dùng có xu hướng tăng; định mức sử dụng xe ô-tô phục vụ công tác chung có quy định chưa phù hợp; khoán theo cơ chế tự nguyện cho nên ít chức danh đăng ký áp dụng. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ mang tính thăm dò, thí điểm; quy định một đơn giá theo giá ta-xi trên địa bàn chưa thật sự tạo động lực khuyến khích thực hiện cơ chế khoán xe công.
Mới đây, Bộ Tài chính đã dự thảo quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô-tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Với đề xuất thực hiện hình thức khoán mới, nhiều chức danh như: Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc các tập đoàn nhà nước cũng sẽ không còn được sử dụng xe ô-tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, mà phải thực hiện theo hình thức khoán kinh phí bắt buộc. Với dự thảo sửa đổi lần này, các quy định về sử dụng xe công đã thay đổi thật sự về chất, nhất là sự thay đổi về đối tượng, mức độ sử dụng xe công. Sự thay đổi này sẽ dẫn đến sự thay đổi thật sự về tư duy quản lý, khi nhiều năm qua, sự nhập nhằng trong sử dụng xe công đôi khi rất khó xử lý. Ban đầu, có thể đâu đó sẽ khó đồng thuận với chủ trương khoán xe, nhưng trong điều kiện thu ngân sách ngày càng khó khăn như hiện nay, nếu tiết kiệm nguồn ngân sách mỗi năm gần 13 nghìn tỷ đồng cho 40 nghìn xe công trong cả nước - sẽ là một con số vô cùng ý nghĩa.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu thực hiện các phương án đề xuất, tổng số xe phục vụ công tác chung sẽ giảm khoảng 42 đến 62% so với hiện hành, cho thấy việc điều chỉnh là cần thiết. Nhưng cũng cần phải tránh triệt để việc chạy theo thành tích, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả công tác chung của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức trong thực thi nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, bên cạnh những kết quả tích cực có thể nhìn thấy trước, nếu tiếp tục điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô, triển khai khoán xe công theo quy định mới cần phải lưu ý tránh tình trạng hình thức, đồng mức, cào bằng. Việc khoán định mức xe công chỉ thành công khi không gây ách tắc trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, biên chế, địa bàn hoạt động, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Minh bạch, chặt chẽ trong quản lý xe công
Theo Bộ Tài chính, tính đến nay, đã có hơn 1.100 xe ô-tô công đã qua sử dụng được thanh lý. Qua sàng lọc, hiện vẫn còn 2.000 chiếc xe công dư thừa cần thanh lý. Thời gian vừa qua, dư luận xã hội đặt nhiều câu hỏi chung quanh việc các cơ quan nhà nước nhận xe biếu tặng của doanh nghiệp sử dụng vào việc công, cho thấy vấn đề quản lý xe ô-tô công cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để vừa chặt chẽ trong quản lý, minh bạch trong sử dụng, vừa không gây ách tắc công việc được giao.