Siết lại tiêu chuẩn
Bộ Tài chính mới đây đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô-tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Dự thảo Quyết định này được xây dựng theo hướng tiếp tục điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô-tô trên cơ sở không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị xe công gắn với chức năng nhiệm vụ, biên chế, địa bàn hoạt động; việc bố trí xe ô-tô phục vụ công tác được thực hiện theo một trong ba hình thức: Trang bị xe ô-tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô-tô, thuê dịch vụ xe ô-tô; quy định chế độ quản lý tập trung đối với xe ô-tô được trang bị.
Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết, điểm nổi bật của dự thảo là sẽ đẩy mạnh thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công nhằm giảm bớt đầu xe và gom về một đầu mối quản lý để chấm dứt tình trạng sử dụng xe công không hợp lý. Theo đó, đối với công đoạn từ nhà đến nơi làm việc, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên sẽ không còn được bố trí xe đưa đón mà bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe (trường hợp thật sự cần thiết phải bố trí xe theo đặc thù công tác, an ninh có phương án riêng). Nếu đi công tác, các chức danh được chọn một trong các phương án: bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, thuê xe dịch vụ. Bộ Tài chính cho biết, không đề xuất khoán bắt buộc đối với lãnh đạo đi công tác để bảo đảm không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Kinh phí khoán xe công được đề xuất hai phương án: đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng hoặc khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và quãng đường thực tế, đơn giá nhận khoán là 16.000 đồng/km (cả hai phương án đều được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, giảm trên 20%).
Đối với ô-tô phục vụ công tác chung tại cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mạnh đầu xe tại các cơ quan Trung ương và thực hiện quản lý đầu xe theo phương thức tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn. Riêng tại địa phương, văn phòng UBND, HĐND được tăng gấp hai lần số lượng ô-tô để bảo đảm phục vụ công tác vì nhu cầu sử dụng ô-tô của các đơn vị này rất lớn.
Hiện nay, cả nước có 34.214 ô-tô công, bao gồm 864 xe phục vụ chức danh, 16.330 xe chuyên dùng và 17.047 xe phục vụ công tác chung. Từ khi thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi đơn vị chỉ còn một, hai xe cho nên nhiều địa phương chuyển xe phục vụ công tác chung sang xe chuyên dùng khiến cả nước tăng thêm 5.000 xe chuyên dùng kể từ năm 2013. Nhiều đơn vị thuộc cấp cục, sở chỉ có một chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô-tô (hệ số phụ cấp từ 0,7) cũng được trang bị ô-tô, gây lãng phí và không hiệu quả. Nguyên nhân là do các địa phương được toàn quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng. Sắp xếp lại như đề xuất của Bộ Tài chính, dự kiến số lượng xe công chuyên dùng sẽ giảm ít nhất 10.000 xe, xe chức danh giảm khoảng 700 xe.
Thăm dò phản ứng
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của chính sách, Cục trưởng Trần Đức Thắng cho biết, chưa có con số ước tính cụ thể nhưng sẽ tiết kiệm rất lớn cho ngân sách vì giảm được hai khoản chi mua sắm xe mới và kinh phí “nuôi” xe. Vì theo tiêu chuẩn hiện nay, xe chức danh phục vụ cấp Thứ trưởng và tương đương có giá trị sắm mới 920 triệu đồng/xe, xe phục vụ công tác chung có giá trị 720 triệu đồng/xe, chi phí “nuôi” xe là 230 triệu đồng/năm.
Từ thực tiễn khoán xe công trên địa bàn, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) Mai Xuân Vinh cho biết, địa phương này đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công (từ ngày 1-3) rất thuận lợi và nhận được sự đồng thuận cao. Nếu áp dụng thí điểm tại tám đơn vị cấp sở, quận, huyện như đang triển khai, thành phố Hà Nội dự kiến tiết kiệm khoảng 4 tỷ đồng/năm, nếu áp dụng chung cho cả thành phố với gần 400 xe công hiện có sẽ tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng/năm. Đồng chí Mai Xuân Vinh cho biết thêm, Hà Nội đã đi trước một bước so với đề xuất của Bộ Tài chính là thực hiện cơ chế khoán triệt để, tức là áp dụng khoán bắt buộc đối với cả xe phục vụ công tác chung cho các chức danh khi đi công tác. Hơn nữa, số tiền trả cho các chức danh tự lo phương tiện đi lại được các đơn vị lấy từ chi phí hành chính, ngân sách thành phố không cấp thêm. Số lượng xe công dôi dư từ khi thực hiện cơ chế khoán đã được thành phố thu hồi, niêm phong chờ đấu giá thu tiền vào ngân sách nhà nước.
Theo Cục trưởng Quản lý công sản Trần Đức Thắng, chủ trương khoán xe công đã được quy định từ năm 2007 nhưng áp dụng theo cơ chế tự nguyện cho nên chỉ có ít bộ, ngành, địa phương thực hiện và duy trì trong thời gian ngắn, vì vậy thực tiễn để kiểm chứng chính sách còn hạn chế. Gần đây, Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao đã thực hiện cơ chế khoán bắt buộc, là thực tiễn rất tốt để đẩy mạnh cơ chế khoán xe công. “Cũng đã có những ý kiến khác nhau chung quanh vấn đề này nhưng cơ bản là các bộ, ngành, địa phương đồng thuận chủ trương tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước. Chúng tôi đã đưa ra hai phương án có mức độ tác động khác nhau để họ góp ý, đề xuất những phương án phù hợp hơn với thực tế. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, đồng chí Trần Đức Thắng chia sẻ.
Dự kiến, các bộ, ngành sẽ có sáu tháng để rà soát, sắp xếp lại xe công, bố trí lại công tác cho đội ngũ lái xe theo đúng quy định của chính sách pháp luật về lao động và chậm nhất 12 tháng sau ngày Quyết định có hiệu lực phải gửi báo cáo thực hiện về Bộ Tài chính.
Theo quy định hiện hành, mỗi tập đoàn, tổng công ty có bốn xe (gồm hai xe phục vụ chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc; hai xe phục vụ công tác chung). Các chức danh (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc) trước đây được trang bị xe chức danh, nay sẽ thực hiện khoán kinh phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc; khi đi công tác sẽ bố trí xe phục vụ công tác chung. Vì vậy, tại dự thảo, dự kiến định mức ba xe để phục vụ công tác chung cho các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc; Ủy viên (thành viên) Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc tại các tập đoàn (giảm một xe so với quy định hiện hành).
Nguồn: Bộ Tài chính