Để vượt khó, doanh nghiệp buộc phải triển khai linh hoạt các giải pháp ứng phó cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.
Trong những tháng đầu năm, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi phần lớn doanh nghiệp mới có đơn hàng hết tháng 3, giá gia công giảm và cạnh tranh cao. Dự báo hàng dệt may sẽ phục hồi vào quý II nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đối diện khó khăn
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, ngành dệt may đang phải đối diện giai đoạn hết sức khó khăn. Các dự báo về kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ đều có xu hướng tiêu cực.
Đặc biệt, tổng cầu thế giới tăng trưởng từ 2,5% đến 4% - mức thấp hơn rất nhiều so với các năm trước; các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam có xu hướng giảm, đơn cử như thị trường EU và Trung Quốc sẽ giảm khoảng 2% đến 4%.
Bên cạnh đó, nguy cơ đứt gãy nguồn cung, giá cả các nguyên phụ liệu vẫn trong giai đoạn “phi mã” khiến doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi cầu dệt may thế giới chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu.
Đa phần doanh nghiệp may mới có đơn hàng đến hết tháng 3, các tháng sau rất thấp tải, đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn, giá gia công giảm và cạnh tranh cao.
Đối với ngành sợi, thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sợi có thể tận dụng cơ hội khi cầu khôi phục tại thị trường này, tuy nhiên cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới nói chung sẽ rất gay gắt khi các nhà sản xuất của Trung Quốc nhập cuộc.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết thêm, trước tình trạng lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dẫn đến cầu tiêu dùng giảm mạnh, bên cạnh đó, xung đột giữa Nga-Ukraine, dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhiều phía như đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn “leo thang”.
Trong khi ba năm qua, các doanh nghiệp phần lớn bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19 cho nên sức chống chịu giảm dần, nhất là việc đảo chiều đi xuống của dệt may xuất khẩu những tháng cuối năm 2022 đã gần như “đánh bay” lợi nhuận của những tháng trước đó khiến doanh nghiệp hoạt động càng thêm khó khăn.
Với xu hướng của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, đơn giá bị ép khiến giá xuất giảm,...
Để ổn định sản xuất trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần phải cắt giảm những chi phí không cần thiết, triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực, tập trung công tác đào tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với biến đổi mới và bảo đảm việc làm cho người lao động, bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài,...
Ông THÂN ĐỨC VIỆT
Bám sát diễn biến thị trường
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, trước những diễn biến khó lường của thị trường, nhất là khi cầu tiêu dùng giảm và chưa có dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn hiện nay cho nên Hiệp hội đưa ra hai kịch bản đối với kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023.
Trong đó, với tín hiệu tích cực, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 47 tỷ-48 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 45 tỷ-46 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm “vượt sóng” thị trường, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Bởi tín hiệu tiêu cực không chỉ xuất hiện mới đây mà ngay từ những tháng cuối năm 2022 ngành sợi phải đối mặt với giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá sợi đầu ra giảm sâu do cầu vô cùng yếu.
Hầu hết các doanh nghiệp sợi đều lỗ khoảng 0,4-0,8 USD/kg sợi tùy mặt hàng. Thậm chí, có những doanh nghiệp giá sợi chỉ đủ bù giá bông đầu vào, lỗ hoàn toàn phần tiêu hao và chi phí sản xuất. Ngành may thiếu đơn hàng, bị ép về đơn giá cũng như cạnh tranh tăng cao đến từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.
Chung quan điểm, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định, do lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, cơ quan điều hành Tập đoàn đã sớm đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó tình hình, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.
Cụ thể, đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim của Tập đoàn, qua đó giúp các đơn vị sản xuất vải và may chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi; tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm vừa tiết giảm chi phí, vừa đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.
Thường xuyên bám sát thị trường, khách hàng và kế hoạch sản xuất để ra quyết định nhanh trong việc nhận đơn hàng và chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; tập trung cải thiện hệ thống sản xuất, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị sản xuất, tích cực thực hiện chuyển đổi số và ưu tiên giữ chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cũng như nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng sản xuất xanh tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng lớn, thị trường lớn,... Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm và vị thế của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng.