Theo đó, kế hoặc kiểm tra tập trung trên các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy,…
Trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trong đó, tập trung đối tượng xe mô-tô, ô-tô con, ô-tô chở khách, ô-tô tải, xe vận tải container, xe ô-tô kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc.
Trong kế hoạch, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu các đơn vị cảnh sát giao thông được giao làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện thành lập Tổ công tác để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao.
Khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị; các Tổ Cảnh sát giao thông phải được trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí công cụ hỗ trợ, máy đo nồng độ cồn, thiết bị đo thử chất ma túy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật khi đi làm nhiệm vụ. Sử dụng camera đã được trang bị, nhất là camera mini để ghi nhận lại hoạt động trong ca công tác.
Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy....
Đặc biệt, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy phải tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; kiến nghị với ngành giao thông vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Đồng thời, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ,… Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Giám đốc Công an địa phương huy động các lực lượng cảnh sát khác, công an cơ sở, cơ sở y tế đủ điều kiện, phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, tổ chức kiểm soát, xử lý chuyên đề này. Việc kiểm soát, xử lý vi phạm được bố trí thành các Tổ công tác, do cảnh sát giao thông làm tổ trưởng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ tập trung điều tra, làm rõ các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy, rượu bia và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phục vụ cho công tác phòng ngừa xã hội.