Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

NDO - Ngày 23/8, tại thành phố Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2010-2020, ngành thủy sản luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành liên quan khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng, phát triển cơ giới hóa trong sản xuất. Cơ giới hóa trong nuôi trồng và chế biến thủy sản đã có sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả cao trong sản xuất, tạo ra sự phát triển nhảy vọt về năng suất, sản lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2021 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 4,81 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã đạt 2,73 triệu tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ 2021; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 6,67 tỷ USD, tăng 34,2% so cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ giới hạn chủ yếu trong phạm vi nuôi tôm nước lợ, cá tra và một số loài thủy sản. Mức độ nội địa hóa máy móc, trang thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn còn thấp, chủ yếu phải nhập khẩu.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của lãnh đạo và chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản đã phân tích làm rõ hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa. Theo các chuyên gia, ba xu hướng công nghệ sẽ được thúc đẩy chuyển đổi nhanh chóng, đó chính là kết nối-thông minh-tự động hóa linh hoạt. Đây sẽ là sự thay đổi hàng loạt mạng lưới hệ thống sản xuất và quản trị. Chính vì vậy, sự thích ứng và tiếp cận nhanh với những thay đổi trong tương lai sẽ là động lực giúp nuôi trồng thủy sản Việt Nam duy trì được vị thế và hy vọng vươn lên trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới…

Theo Tổng cục Thủy sản, để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản, nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai trong việc dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu và tăng cơ hội ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất.

Ưu tiên lựa chọn những đề tài, dự án gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị, máy móc cho sản xuất nuôi trồng thủy sản và xây dựng một số dự án thí điểm ứng dụng công nghệ để quản lý cơ sở nuôi lồng bè, đối tượng chủ lực đã được cấp mã số nhận diện.

Các địa phương cần rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, cung ứng vật tư, đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Cần tập trung nghiên cứu ứng dụng các chủng loại máy, thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản để thay thế máy móc, hệ thống linh kiện nhập khẩu; cung cấp dịch vụ cơ giới, tự động với chi phí phù hợp, áp dụng trên diện tích rộng và chia sẻ thông tin về hiệu quả khi sử dụng máy móc, hệ thống tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, tuy thời gian ngắn nhưng hội thảo đã đi đến nhiều đồng thuận về các giải pháp nhằm tăng cường việc ứng dụng ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Trong khi chờ hỗ trợ từ Chính phủ, ngành thủy sản các địa phương cần chủ động các giải pháp kỹ thuật, tích cực tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất thủy sản hiệu quả, chất lượng.

Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu kết luận hội thảo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam đánh giá cao nội dung tham luận và các ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân. Qua đó không chỉ giúp người nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng mà còn hỗ trợ giải pháp, công nghệ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững ngành thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ.