Nhằm chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho vỉa hè hơn 900 tuyến phố trong nội thành, từ năm 2016, thành phố Hà Nội tiến hành thay thế các loại gạch lát vỉa hè truyền thống bằng đá tự nhiên. Các loại đá này được giới thiệu có kết cấu bền vững, độ bền từ 50 đến 70 năm, hạn chế các hư hỏng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên các tuyến phố: Nguyễn Trãi, Láng Hạ, Lê Trọng Tấn, Khuất Duy Tiến… xuất hiện tình trạng vỉa hè lát bằng đá tự nhiên bị hư hỏng, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khiến người dân bức xúc.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, người dân sinh sống tại phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân cho biết, hằng ngày đi bộ từ nhà đến ga đường sắt trên cao gần ngã tư đường Nguyễn Trãi với Khuất Duy Tiến, anh chứng kiến rất nhiều người đi bộ bị vấp ngã do vỉa hè lồi lõm. Nhiều vị trí gạch bị bong tróc cả mảng lớn, nhưng không được sửa chữa. Chị Nguyễn Thanh Lan, ở quận Hà Đông cũng phản ánh, vỉa hè lát đá tự nhiên tại tuyến phố Trần Phú (quận Hà Đông) có nhiều vị trí hư hỏng, nhưng không được sửa chữa thường xuyên. Đá tự nhiên khi bị bong tróc, nứt vỡ tạo ra nhiều cạnh sắc nhọn, rất nguy hiểm cho người đi bộ.
Theo các chuyên gia xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số đoạn vỉa hè lát đá tự nhiên nhanh chóng xuống cấp, như kích thước đá lát quá lớn, chưa phù hợp. Công tác thi công, giám sát chất lượng công trình và duy tu, sửa chữa còn hạn chế. Thêm vào đó, vỉa hè nhiều tuyến phố bị chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ, dừng, đỗ xe máy, ô-tô. Không ít người điều khiển phương tiện đi trên vỉa hè, nhất là vào những thời điểm ùn tắc giao thông. Tình trạng vỉa hè lát đá nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng ngay sau khi đưa vào sử dụng đã diễn ra từ năm 2017. Thanh tra thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra và có kết luận chỉ rõ nhiều thiếu sót trong việc lát đá vỉa hè, cùng với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Để chấn chỉnh công tác lát đá vỉa hè, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó quy định cụ thể về chất lượng đá lát, độ cứng bề mặt, độ chịu mài mòn, cường độ nén uốn. Sở Xây dựng cũng hướng dẫn các địa phương khi triển khai thi công lát đá vỉa hè bảo đảm yêu cầu chất lượng và chỉ nghiệm thu khi đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật.
Sở cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát việc áp dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè trong công tác thẩm định, quy trình kỹ thuật thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình…; đồng thời kiểm tra thực tế hiện trường, thực hiện khoan rút lõi lấy mẫu thí nghiệm, lấy mẫu đá lát để kiểm tra cường độ uốn nén, độ mài mòn, độ hút nước. Theo đại diện Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) nhìn chung, chất lượng đá, công tác thi công bảo đảm yêu cầu quy định. Một số tuyến phố mới triển khai lát đá bị nứt, vỡ chủ yếu do quá trình quản lý sau đầu tư và bị xe máy đi lên, ô-tô dừng, đỗ.
Như vậy, công tác lát đá vỉa hè, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý, duy tu, sửa chữa sau đầu tư còn hạn chế. Các hư hỏng không được phát hiện, xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vì thế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Sở Xây dựng, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng đá tự nhiên, chất lượng thi công và nhất là công tác quản lý, duy tu, sửa chữa; kịp thời sửa chữa các hư hỏng trong quá trình sử dụng.
Trước mắt, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần sớm chỉ đạo đơn vị chức năng sửa chữa, khắc phục các công trình hư hỏng, xuống cấp; nghiên cứu, sử dụng đá lát có kích thước nhỏ, nhưng dày hơn để tăng độ bền vật liệu. Cùng với đó, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng vỉa hè sai mục đích để nâng cao chất lượng, tuổi thọ vỉa hè lát đá tự nhiên.