Cùng suy ngẫm

Tăng cường quản lý các cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ

Những thông tin chung quanh vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Ðề (quận Long Biên, Hà Nội) trong những ngày qua khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Những việc làm khuất tất của những cá nhân trong đường dây mua bán trẻ em, vai trò của các cá nhân liên quan vụ việc này chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ vụ việc đau xót này cho thấy còn quá nhiều "lỗ hổng" trong công tác quản lý, giám sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở từ thiện.

Trong những năm qua, tại nhiều cơ sở tôn giáo trong cả nước có nhiều hoạt động từ thiện thiết thực, trong đó, nổi bật nhất là việc nhận cưu mang, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, từ những em nhỏ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người già neo đơn... Với tấm lòng "từ bi hỷ xả", đạo lý "thương người như thể thương thân" của các chức sắc, phật tử, sự ủng hộ, tiếp sức của cả cộng đồng, không ít cơ sở thật sự đã trở thành những mái ấm nâng đỡ những số phận bất hạnh. Nhưng do là hoạt động mang tính tự phát, cho nên không ít cơ sở không tuân thủ những quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Nhiều cơ sở không bảo đảm những điều kiện ăn ở, sinh hoạt tối thiểu, nhưng vẫn tiếp nhận nuôi dưỡng hàng trăm người già, trẻ nhỏ. Trong khi, theo quy định tại Nghị định số 68 của Chính phủ về điều kiện thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia công tác nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật. Với các cơ sở nuôi dưỡng từ mười người trở lên phải lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Không chỉ vậy, công tác quản lý nhân khẩu và di biến động của những người được nuôi dưỡng trong những cơ sở này cũng chưa được quan tâm sâu sát. Ðây là lỗ hổng để những đối tượng xấu núp sau việc làm từ thiện thực hiện những hành vi vô nhân tính.

Ðể không tiếp tục xảy ra những chuyện đau lòng tương tự như trên, trước hết, các cơ quan chức năng cần rà soát hoạt động của tất cả các cơ sở từ thiện nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tăng cường quản lý nhân khẩu. Những cơ sở bảo đảm đủ điều kiện nuôi dưỡng phải được các cơ quan chức năng cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Ðối với những cơ sở chưa đủ điều kiện thì cần phối hợp các cơ quan chức năng, chuyển giao các cháu đến các cơ sở, trung tâm chuyên trách để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Cần quy định rõ cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước đến chính quyền, đoàn thể tại địa phương. Có như vậy, những hoạt động từ thiện mới thật sự mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.