Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng. Những ngày gần đây, số ca Covid-19 được cập nhật trên hệ thống đã tăng cao gấp nhiều lần so với thời gian trước đó. Đáng chú ý, có nơi phát hiện các chùm ca bệnh phát sinh tại cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục.
Hà Nội là địa phương có số ca mắc Covid-19 mới tăng cao nhất; mỗi ngày, thành phố ghi nhận khoảng 100 ca mắc; nhiều ca nhập viện, một số trường hợp chuyển nặng, đã ghi nhận có ca tử vong.
Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đến ngày 20/4, toàn quận ghi nhận năm loại bệnh truyền nhiễm gây dịch gồm: Covid-19; thủy đậu; tay chân miệng ; sốt xuất huyết ; quai bị. Riêng số ca mắc Covid-19 tăng nhiều từ đầu tháng 4/2023 (454 ca) và đã ghi nhận ba ổ dịch Covid-19, trong đó, có hai ổ dịch tại trường học. Các trường hợp mắc chủ yếu có biểu hiện lâm sàng nhẹ; có bốn trường hợp nặng phải nhập viện, hiện sức khỏe đã ổn định và được ra viện.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình mỗi ngày có 10 đến 15 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với ri-rút SARS-CoV-2. Hầu hết người bệnh có các triệu chứng: sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác. Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện chủ yếu là người già, người có bệnh lý nền như: cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư…
Các chuyên gia nhận định, số ca Covid-19 gia tăng do miễn dịch cộng đồng giảm, miền bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho vi-rút phát triển, trong đó có vi-rút SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, do người dân có tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng bệnh, thường xuyên tụ tập đông người, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, không vệ sinh cá nhân, khử khuẩn thường xuyên làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, ngày 18/4/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành công văn hỏa tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh để có phương án triển khai kịp thời; kiên quyết, kiên trì và kiên định bảo đảm kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội; phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại; chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; bảo đảm nhân lực, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất đáp ứng phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”…
Tiếp đó, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, sở yêu cầu các đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho khách du lịch và người lao động, tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Viện Pasteur thành phố thực hiện vào ngày 21/4 đã phát hiện thêm những biến thể phụ mới của Omicron gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Theo Sở Y tế thành phố, những biến thể phụ mới phát hiện tại TP Hồ Chí Minh cũng là những biến thể phụ đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm hoặc biến thể cần được theo dõi. Đáng lo ngại là, ngoài 1 biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi (biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ).
Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới Covid-19 thời gian gần đây tại TP Hồ Chí Minh và ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Số ca mắc mới tăng dẫn đến số ca nhập viện tăng.
Trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, nhiều địa phương sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí để kích cầu du lịch. Đây là thời điểm người dân đi lại giao lưu, tụ tập nhiều, nguy cơ làm tăng lây nhiễm Covid-19.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch; đặc biệt, bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4.