Tăng cường năng lực thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá

NDO - Ngày 3/10, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Thông tin báo chí về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và Điều 5.3 Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam.
Các chuyên gia y tế chia sẻ thông tin Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá.
Các chuyên gia y tế chia sẻ thông tin Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin việc triển khai Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), đặc biệt là tránh vi phạm Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam; cung cấp thông tin mới về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác cho các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá đang gây ra khoảng tám triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Các bệnh do hút thuốc lá chủ yếu là ung thư họng, ung thư thực quản, ung thư phổi, khí quản, phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, và triệu chứng hô hấp mãn tính khác, tim mạch, đột quỵ. Trong khi đó, mỗi năm có một triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó có 64% số ca tử vong do hút thuốc lá thụ động là nữ và 160 nghìn ca tử vong là trẻ em dưới năm tuổi.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo, đến năm 2030 sẽ tăng hơn 70 nghìn người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.

Tăng cường năng lực thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá ảnh 1

Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

Đáng chú ý, các nghiên cứu tại Việt Nam gần đây cho thấy, thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể từ 3,5% (năm 2022) tỷ lệ 8,0% (năm 2023). Ở nhóm người trên 15 tuổi, sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) với tỷ lệ là 7,3%; nhóm tuổi từ 25 đến 44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45 đến 64 tuổi là 1,4%.

Cảnh báo về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh: Các sản phẩm thuốc lá mới nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ có nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và những kết quả của hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua sẽ bị phá bỏ. Ngoài ra, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và cũng gây nghiện tương tự như thuốc lá thông thường. Do vậy, không thể coi là giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới (bao gồm cả trẻ em và phụ nữ).

Đáng chú ý, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước cho thấy: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Về thời gian sử dụng, sử dụng lần đầu tiên là 81 người, đã từng dùng một thời gian là 1.143 người.

Thông tin về Điều 5.3 FCTC, Thạc sĩ Phan Công Hiếu (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) chia sẻ: FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe- là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới. Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn FCTC của WHO và có hiệu lực từ ngày 17/3/2005. Hiện, có tổng số 182 quốc gia trên thế giới đã tham gia Công ước này.

Về nội dung tại Điều 5.3 đã nêu rõ: Khi xây dựng và triển khai các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, các bên tham gia Công ước khi thực hiện bất kỳ tương tác cần thiết nào với ngành công nghiệp thuốc lá cần thực hiện theo cách mà không tạo ra ý niệm về quan hệ đối tác hay hợp tác có tiềm năng bắt nguồn từ hay dựa trên tương tác đó.

Các quốc gia thông gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận tư cách đối tác hay những thỏa thuận không ràng buộc hay không ràng buộc thi hành, cũng như bất kỳ dàn xếp tự nguyện nào với ngành thuốc lá hay bất kỳ tổ chức cá nhân nào làm việc vì quyền lợi của ngành công nghiệp thuốc lá.

Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo.

Thạc sĩ Phan Công Hiếu cho biết thêm, để triển khai Điều 5.3 FCTC, Bộ Y tế đã xây dựng báo cáo trình Chính phủ về quan điểm tiếp cận giảm tác hại đối với thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá nung nóng; báo cáo trình Chính phủ về quan điểm không tiếp và làm việc với Tập đoàn Phlip Moris để trao đổi về quản lý thuốc lá nung nóng; báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tăng cường năng lực thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá ảnh 2

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Mặt khác, Bộ Y tế đã không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế vi phạm các quy định tại Khoản 3 Điều 5 FCTC; Quyết định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị Bộ Y tế, chuyên gia y tế đã trao đổi, cung cấp thông tin về nội dung Điều 5.3 FCTC; quan điểm tiếp cận giảm tác hại đối với thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá nung nóng; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực thi Điều 5.3 FCTC; kết quả của ngành Y tế trong việc triển khai liên quan đến Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam thời gian qua.