Tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp

NDO -

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt đề án ngành thú y) và phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò (VDNC).

Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 15-4, tại Hà Nội.
Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 15-4, tại Hà Nội.

Theo cáo báo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ tháng 9-2020 đến nay, cả nước xảy ra 950 ổ dịch tại 917 xã (151 huyện) ở 25 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh là 22.397 con, trong đó tiêu hủy 1.761 con. Dự báo, trong thời gian tới bệnh VDNC có thể sẽ xuất hiện tại nhiều địa phương.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn 75% các loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc từ động vật. Dịch bệnh trên động vật không chỉ là nguy cơ gây bệnh đối với con người, dịch bệnh ở động vật đã và đang gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành chăn nuôi, tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm. Riêng dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước ta khoảng 28 nghìn tỷ đồng (Nhà nước đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh này khoảng 13 nghìn tỷ đồng). Dịch bệnh cũng chính là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Nếu xây dựng được hệ thống thú y sẽ phòng chống được dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây sang người, quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm, quản lý thuốc, đẩy mạnh xuất khẩu.

Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, là hành lang pháp lý rất quan trọng để ngành thú y có cơ sở tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên ngành thú y, trong đó theo quy định tại Điều 6 của Luật Thú y, ở Trung ương có Cục Thú y, trực thuộc Bộ NN-PTNT, ở cấp tỉnh có Chi cục quản lý chuyên ngành thú y (gọi tắt là Chi cục Thú y) trực thuộc Sở NN-PTNT, ở cấp huyện có trạm thú y trực thuộc chi cục thú y đóng trên địa bàn cấp huyện.

Từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp. Cụ thể có 7/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp tỉnh; 36/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện quản lý.

Hiện có khoảng 6.400 người người làm trong thú y tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã bị cắt giảm, nghỉ việc. Những thay đổi này đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp.

Tại hội nghị, ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu đều cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để phòng, chống dịch trên động vật hiệu quả.