Tăng cường, nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở

NDO -

Chiều 16/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá tình hình, đề ra giải pháp cụ thể với mục tiêu giảm số ca chuyển nặng, ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, đặc biệt sự xuất hiện của chủng mới Omicron mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lây lan nhanh, độc lực chưa thể đánh giá hết. Hơn nữa, một số nước chung quanh đã xuất hiện chủng mới Omicron, do đó Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch hiện nay còn phức tạp; tại một số tỉnh, số ca tử vong chưa kiểm soát được; vấn đề y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được quán triệt, tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc, cho nên các địa phương vẫn còn lúng túng khi dịch diễn biến phức tạp.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần bàn bạc kỹ lưỡng, đánh giá trên phạm vi cả nước, trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể, thực chất để quyết liệt, ngăn chặn các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là các ca chuyển nặng, kiểm soát bằng được các ca tử vong.

Muốn vậy, theo Thủ tướng, cần tập trung bàn giải pháp tăng tốc tiêm chủng, phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải hoàn thành tiêm vaccine đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên.

Thủ tướng yêu cầu bàn vấn đề thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi để cho các em sớm quay trở lại trường học. Vấn đề tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên cũng đang xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Cuộc họp này cũng bàn vấn đề thuốc điều trị Covid-19, tăng cường y tế dự phòng...

Quyết liệt giảm các ca chuyển nặng, ca tử vong vì Covid-19 -0
 Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thống kê chi tiêu cho phòng, chống dịch năm nay, trong đó thống kê cả chi nhà nước, viện trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gửi Bộ Tài chính để tính toán, dự trù nguồn lực phòng, chống dịch cho năm 2022 để không bị động, lúng túng, bất ngờ.

Qua 2 năm chống dịch, phải rút ra bài học kinh nghiệm để dự báo, đề ra giải pháp. Thủ tướng yêu cầu phải chủ động, tích cực chuẩn bị ứng phó tình hình. “Chúng ta vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Khi chúng ta phải dùng biện pháp hành chính kiểm soát dịch bệnh thì sẽ gây thiệt hại lớn. Các tỉnh nên đánh giá đúng tình hình, nêu rõ khó khăn, đề xuất thẳng thắn; phải có giải pháp phù hợp, quyết tâm để bao phủ vaccine vì số người chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vaccine hoặc chống chỉ định tiêm vaccine. Nếu chúng ta biết nguyên nhân mà không làm thì là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước.

Quyết liệt giảm các ca chuyển nặng, ca tử vong vì Covid-19 -0
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía nam có số ca nặng và tử vong cao. Các đơn vị hỗ trợ triển khai đánh giá tình hình, phối hợp với địa phương rà soát phương án thu dung điều trị, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp kết hợp hỗ trợ từ xa, tham gia điều trị người bệnh; đồng thời đề xuất các phương án phù hợp trong phân tầng điều trị, phân loại nguy cơ và quản lý F0 tại nhà.

Bộ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát tại các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông...; tổ chức giao ban về công tác điều trị với các tỉnh phía nam để kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh trong công tác điều trị Covid-19; tiếp tục khảo sát, đánh giá tình hình thu dung điều trị và nguyên nhân tử vong để có giải pháp phù hợp.

Thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp: thường xuyên rà soát, cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn trong bối cảnh Covid-19.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú. Truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để 5K; truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K+vaccine, thuốc+biện pháp điều trị phù hợp+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định. Tổ chức chiến dịch Bảo vệ người có nguy cơ trên toàn quốc từ ngày 17 đến 31/12/2021 (quản lý người thuộc nhóm nguy cơ; truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19; tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc ngóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội).

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, về tổng thể, các nguyên lý, biện pháp, trụ cột, công thức chống dịch cơ bản phù hợp, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung cụ thể hóa một cách nghiêm túc. Đến nay, chúng ta đã cơ bản bao phủ vaccine, hoàn chỉnh công thức chống dịch, hiểu rõ chủng virus Delta hơn, do đó cách làm phải thay đổi phù hợp tình hình, yêu cầu đặt ra. 

Thủ tướng nêu rõ, diễn biến tình hình còn phức tạp; biến chủng Omicron theo dự báo cho thấy tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, độc lực còn có ý kiến khác nhau nhưng có khả năng thích ứng vaccine. Theo các dự báo này, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp và chưa rõ còn chủng mới nào xuất hiện nữa. Vì thế, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải bám sát tình hình, sớm phát hiện chủng mới xâm nhập nước ta. Chúng ta phải quyết tâm và nhanh chóng có giải pháp giảm số ca tăng nặng, số ca tử vong vì Covid-19 ở một số thành phố, địa phương. Mục tiêu đặt ra phải rất rõ ràng là kiểm soát tình hình, kiểm soát rủi ro, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tối đa ca chuyển nặng, tử vong. 

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục quyết liệt thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định. Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cao. Thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch; tăng cường công tác phòng, chống dịch kịp thời; chống các biến chủng mới có thể xâm nhập, đặc biệt là coi trọng các địa bàn đô thị lớn, khu công nghiệp đông người. Việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, địa phương phải được rà soát, xem xét lại về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, phòng, chống dịch và xử lý vi phạm. 

Theo Thủ tướng, muốn ngăn chặn các ca chuyển nặng thì phải bảo đảm người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ đó phải nâng cao năng lực y tế cơ sở từ nhân lực, thuốc, oxy; kết hợp xét nghiệm tầm soát, tăng cường bản đồ Covid-19, có biện pháp phòng ngừa tốt. Tập trung khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, nhất là bệnh nhân xét nghiệm dương tính nhưng không được tiếp nhận, do đó phải bám sát và đáp ứng ngay yêu cầu của người dân được tiếp cận y tế. Bộ Y tế cần hoàn thiện hướng dẫn cơ sở; bảo đảm dinh dưỡng, thuốc điều trị, chăm sóc tinh thần người bệnh đang điều trị; bảo đảm sẵn sàng thuốc điều trị, oxy, kết hợp đông tây y. 

Thủ tướng cho rằng, vấn đề cốt lõi là vaccine; việc ngăn chặn các ca chuyển nặng làm tốt công tác tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Từ nay đến ngày 31/12 phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ những người chống chỉ định); tiến độ còn lại rất gấp, các địa phương phải hoàn thành và Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine, nếu không đủ thì Bộ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nếu đủ vaccine mà không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về chỉ tiêu này, xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể. Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để "tiêm vét" vaccine, nếu cần tổ chức các tổ tiêm lưu động ở các xã, phường, thị trấn để tiêm cho những đối tượng không đi tiêm được; tìm mọi cách, vận động mọi cách để người dân tiêm vaccine; ai không tiêm phải có chế tài xử lý. Bộ Y tế phải có hướng dẫn sớm việc này. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì Bộ Y tế phải cam kết đủ vaccine, tiêm trong tháng 1/2022 phải hoàn thành. Bộ Y tế phải hướng dẫn cách tiêm, bảo quản, tổ chức tiêm khoa học, an toàn, hiệu quả..; các địa phương phải tổ chức tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để hoàn thành mục tiêu này, nếu không đạt phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đối với đối tượng trẻ em từ 5 đến 12 tuổi phải chờ quyết định của các cấp có thẩm quyền. Vaccine là vấn đề có tính chất chiến lược, quyết định, phải thần tốc trong tiêm vaccine; bàn bạc, thống nhất các số liệu về vaccine, cách thức tiêm. Phải tính toán nguồn vaccine cho năm 2022 để bảo đảm các mục tiêu căn cứ vào đề xuất và tính toán của các địa phương; chủ động đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn, giảm chi phí nhập khẩu, nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính để đưa vaccine về. 

Theo Thủ tướng, về vấn đề thuốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế khẩn trương, chủ động bảo đảm thuốc điều trị, phải bố trí nguồn lực để giải quyết việc này; giải quyết vấn đề giấy phép, mua tập trung, nghiên cứu sản xuất trong nước. Hiện, một số hãng dược có hỗ trợ Việt Nam sản xuất thuốc, do đó Bộ Y tế lựa chọn các công ty, nhà đầu tư để sản xuất, nếu cần đầu tư cho một công ty dược của nhà nước để sản xuất thuốc. Phải dự báo số lượng, theo dõi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); học tập kinh nghiệm các nước.

Về công tác điều trị, Thủ tướng yêu cầu huy động bác sĩ về hưu, hệ thống y tế tư nhân; chỗ nào còn vướng về cơ chế, chính sách thì phải đề xuất giải quyết. Bộ Tài chính xem xét đề xuất của các tỉnh còn khó khăn, nhanh chóng tập hợp và báo cáo Chính phủ. Liên quan tăng cường y tế cơ sở và y tế dự phòng, y tế cơ sở thì Bộ Y tế phải có hướng dẫn, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, phát hiện sớm, sàng lọc, điều trị F0 tại nhà; bổ sung nhân lực cho các địa bàn; cơ cấu lại, điều động nhân lực. Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp thì dứt khoát phải thành lập trạm xá lưu động. Bộ Y tế phối hợp các cơ quan liên quan trình Chính phủ các chính sách tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở và y tế dự phòng; tăng cường năng lực y tế cơ sở và y tế dự phòng phù hợp dự báo. Các địa phương cũng phải chủ động việc này, nhất là đánh giá lại đội ngũ y tế cơ sở để có điều chỉnh phù hợp. Những tỉnh, thành phố khi dịch diễn biến quá năng lực thì khẩn trương đề xuất Trung ương để điều động lực lượng hỗ trợ... 

Bộ Y tế cùng Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành khác đề xuất thí điểm mở cửa hàng không; tiếp tục mở rộng việc mở cửa từ ngày 1/1/2022 ở các địa bàn, các châu lục để giải quyết mong muốn của chuyên gia, người lao động nước ngoài đến Việt Nam và đi các nước, nhu cầu đi lại của bà con Việt kiều, lưu học sinh. Đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn, hiệu quả, thông lệ các nước đang làm trên cơ sở đánh giá tình hình; có các biện pháp giảm thủ tục hành chính, không quá thận trọng nhưng không quá chủ quan. Các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo đảm sản xuất, kinh doanh. 

Thủ tướng đề nghị, liên quan vấn đề an sinh xã hội, cần tiếp tục quan tâm, thúc đẩy. Tăng cường tuyên truyền để nhân dân tham gia tích cực công cuộc phòng, chống dịch tự giác, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của mình là bảo vệ sức khỏe của chính gia đình mình, lợi ích quốc gia, dân tộc; có chế tài xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm.