Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn; điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện cả nước.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác PCCC đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về công tác này cách đây 10 tháng là việc sát tình hình thực tế. Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản; đặc biệt là vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini) tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội làm 56 người tử vong. Đây là hồi chuông cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải có ngay những giải pháp cấp bách, khả thi để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các vụ cháy nổ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra sôi động, mạnh mẽ; bên cạnh mặt tích cực của sự phát triển này thì cũng kéo theo những hệ luỵ mà có lúc dự báo được, có lúc không dự báo được, bị bất ngờ. Nhà và công trình xây dựng phát triển nhanh, đa dạng về quy mô, phong phú về loại hình; nhu cầu sử dụng năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện, hóa chất cũng tăng mạnh. Tại các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mật độ dân cư cao, trong khi công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…) còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; tạo áp lực lớn cho quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Quang cảnh Hội nghị. |
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã đạt những kết quả quan trọng; phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay trong thời gian ngắn; nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu đối với công tác PCCC còn hạn chế, thậm chí buông lỏng quản lý; ý thức, kiến thức, kỹ năng của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác PCCC chưa cao; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, lực lượng chưa cao...
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đồng chí với tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những việc làm tốt, những việc chưa làm được, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp phù hợp, căn cơ, quyết liệt và khả thi nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra; trên cơ sở đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, nguyên nhân, giải pháp trước mắt và lâu dài, nhiệm vụ của từng cấp với mục tiêu cao nhất là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, an toàn của nhân dân, không để xảy ra các vụ việc cháy nổ đáng tiếc.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an báo cáo tại Hội nghị. |
* Theo Bộ Công an, về tình hình cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/10/2023:
Toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó: 1.616 vụ cháy, 1.311 vụ sự cố cháy), làm chết 134 người, làm bị thương 101 người, về tài sản ước tính thiệt hại 229,75 tỷ đồng và 207 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người. So với 10 tháng đầu năm 2022: số vụ cháy và sự cố cháy giảm 1.367 vụ (-31,8%, 2.927/4.294 vụ); tăng 36 người chết (134/98 người); tăng 22 người bị thương (101/79); thiệt hại về tài sản giảm 337,92 tỷ đồng (229,75/567,67 tỷ đồng). Số vụ nổ giảm 3 vụ (10/13 vụ); số người chết giảm 3 người (5/8 người), số người bị thương tăng 3 người (18/15 người). Về địa bàn xảy ra cháy: thành thị số vụ chiếm 66,2%; nông thôn số vụ chiếm 38,2%.
Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tiếp và trực tuyến toàn quốc. |
Về loại hình xảy ra vụ cháy: cháy nhà dân chiếm 33,3%; cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 8,2%; cháy chung cư (chiếm 1,3%); cháy chợ chiếm 1,3%; cháy trung tâm thương mại, siêu thị chiếm 0,7%; cháy vũ trường, bar, karaoke chiếm 0,4%; cháy trụ sở làm việc chiếm 1,5%;....
Về nguyên nhân các vụ cháy: do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm 61,6%; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 16,6%; do vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 0,9%; do sự cố kỹ thuật chiếm 1,8%; do tác động hiện tượng thiên nhiên chiếm 1,1%; do tai nạn giao thông chiếm 0,7%; do tự cháy chiếm 3,2% và do nguyên nhân khác chiếm 14%. Số vụ chưa tìm ra nguyên nhân, đang tiếp tục điều tra chiếm 34,9%.
Xảy ra 50 vụ cháy gây thiệt nghiêm trọng về người, làm chết 134 người, bị thương 64 người. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; các vụ cháy gây thiệt nghiêm trọng về người chủ yếu tại xảy ra tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini). Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9/2023 tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội làm chết 56 người.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Về công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an các địa phương: xuất 10.756 lượt phương tiện và 67.472 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 2.493/3.930 vụ cháy, tai nạn, sự cố. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 885 người; tìm kiếm được 782 thi thể nạn nhân trong các vụ cháy và sự cố, tai nạn; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và cứu được tài sản trị giá khoảng 270 tỷ đồng trong các vụ cháy; lực lượng tại chỗ và nhân dân tổ chức dập tắt 1.437/3.930 vụ cháy, sự cố cháy.
Công tác cứu nạn, cứu hộ: Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp tham gia 993 vụ cứu nạn, cứu hộ; tổ chức cứu được 262 người; tìm kiếm được 665 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, về quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo: Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”; tiếp tục thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng cháy chữa cháy, trong đó có Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; luôn xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta; phải đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tổ chức, cách làm; tư duy, phương pháp, cách tiếp cận là phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu, nguồn lực trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm an ninh, an toàn, an dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, đã đóng góp tạo môi trường an ninh, an toàn, an dân và sự bình yên cho cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khẩn trương, quyết liệt khắc phục.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc cấp ủy có nơi, có lúc còn buông lỏng công tác lãnh đạo; chính quyền các cấp có nơi thiếu hiệu quả; công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về kỹ năng phòng cháy chữa cháy chưa cao; công tác hoàn thiện thể chế, kiểm tra chưa nghiêm; việc phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ… Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thủ tướng chỉ rõ, dự báo thời gian tới, tình hình cháy nổ, sự cố thiên tai, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; trong các khu dân cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở có tập trung đông người; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy nhưng chưa thể khắc phục được ngay. Chúng ta phải giải quyết các vấn đề liên quan chỗ ở nhưng vấn đề này đòi hỏi nguồn lực, thời gian, thể chế, cơ sở vật chất.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp; tăng cường sự quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là nguồn lực cho công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đầu tư phương tiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cho phòng cháy chữa cháy với tinh thần huy động sức mạnh của xã hội, người dân, hợp tác công tư hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khi sự cố xảy ra. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định, quy trình, quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi; tăng cường xử lý kỷ luật nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, các lực lượng chức năng, cơ quan, đoàn thể, địa phương. Nâng cao năng lực thực thi của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội. Tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đây là nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác chuẩn bị phải chu đáo, bài bản. Hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải chuyên nghiệp, hiện đại, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn phải được nâng cao. Phải cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện của các đơn vị, tổ chức, cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả.
Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình thực tế, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nâng cao hiệu quả công tuyên truyền, giáo dục, nhất là giáo dục pháp luật, kỹ năng trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức tự bảo vệ cho chính mình, bảo vệ cộng đồng; cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng cháy chữa cháy; huy động nguồn lực cho công tác; dành thời lượng phù hợp cho tuyên truyền kỹ năng phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tập trung nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy chữa cháy, nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy; củng cố các lực lượng phòng cháy chữa cháy tại địa phương, củng cố năng lực phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, cơ sở; coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tại cơ sở, phòng ngừa từ sớm, từ xa từ cơ sở. Quan tâm đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm nguồn nước cho chữa cháy; chú ý vấn đề giao thông trong phòng cháy chữa cháy, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi, xe chữa cháy không có đường vào khi sự cố xảy ra.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, nhất là về phòng cháy chữa cháy, điện lực; khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót. Tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những tồn tại có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chuyển các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để xác minh, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy (Công điện số 220/CĐ-TTg). Theo Thủ tướng, khi chuyển đổi phải có thời gian, nghiêm cấm việc “cài cắm” lợi ích nhóm, có hại cho nhân dân và đất nước; không được quy định những vấn đề bất thường, những vấn đề tạo ra độc quyền. Cấp ủy phải rà soát, chính quyền phải tăng cường kiểm tra, bảo đảm việc này phải phù hợp trạng thái chuyển đổi trong từng thời kỳ.
Tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, trong đó phải phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, điện lực để có giải pháp phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy để tăng cường quản lý nhà nước, xử lý các vi phạm.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế (trước ngày 31/12/2023); Nghị định thay thế Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu về cấp nước chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là các khu đô thị đông dân cư (hoàn thành trong quý II/2024). Tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, đô thị, trật tự xây dựng; tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng (hoàn thành trong tháng 12/2023).
Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện lực, trong đó bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân. Trong thời gian chờ Luật ban hành, cần có giải pháp trước mắt giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do hệ thống, thiết bị điện. Phối hợp rà soát các cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao ở khu dân cư, nơi tập trung đông người và di dời, bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm trong cơ sở giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức, nhất là kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời các sự cố cháy, nổ. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng thời lượng tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân về nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công đảm bảo cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định; quan tâm cân đối để thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy thời kỳ 2021-2030.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện việc rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP, trong đó sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường theo thủ tục rút gọn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng; ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng (hoàn thiện trong năm 2023). Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bổ sung danh mục nghề lao động nặng nhọc, nguy hiểm cho lực lượng phòng cháy chữa cháy. Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan lĩnh vực vận tải đường bộ, trong đó lồng ghép nội dung hướng dẫn kỹ năng phòng, chống cháy, nổ, xử lý, ứng phó với các sự cố, tai nạn vào nội dung đào tạo lái xe (hoàn thành trong tháng 12/2023).
Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các nghị định liên quan; phối hợp với các bộ ngành rà soát, sửa đổi quy định về phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm thống nhất trong thực hiện; cố gắng giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy trình, quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; quản lý, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên tinh thần chặt chẽ, nghiêm minh, công khai, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra tiêu cực trong phòng cháy chữa cháy.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, tăng cường quản lý nhà nước hiệu quả, chỉ đạo hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành trước ngày 31/12/2023). Tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tăng cường giám sát, kiểm tra ở cơ sở; hình thành các lực lượng, các tổ liên gia trong phòng cháy chữa cháy cơ sở căn cứ vào từng địa bàn để thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp.