Tăng cường mảng xanh trong khu dân cư

Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức Hội thi xây dựng công trình sạch-xanh-thân thiện với môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần thứ hai. Hội thi là một trong những hoạt động góp phần thực hiện, lan tỏa mạnh mẽ phong trào xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch-đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Một tuyến đường rợp bóng cây xanh ở quận Phú Nhuận.
Một tuyến đường rợp bóng cây xanh ở quận Phú Nhuận.

21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tích cực hưởng ứng hội thi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng gồm 555 công trình sạch-xanh-thân thiện với môi trường của 379 đơn vị dự thi cấp huyện; trong đó, có 43 công trình dự thi cấp thành phố, Ban tổ chức Hội thi cấp thành phố đã trao giải cho 30 công trình, điển hình là công trình cải tạo bãi rác thành vườn rau, vườn hoa và công viên Khu phố 1 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường Cát Lái (thành phố Thủ Đức).

Từ bãi rác ban đầu, địa phương đã tổ chức vận động kinh phí, các lực lượng tham gia thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, xới đất trồng rau sạch, trồng hoa, thuốc nam; lắp đặt 10 bộ dụng cụ tập luyện thể dục-thể thao, trò chơi cho thiếu nhi, ba bộ đèn năng lượng mặt trời. Mỗi tháng, vườn rau sạch cho thu hoạch bình quân hơn 500 kg rau. Số rau này dùng để hỗ trợ cho bếp ăn nghĩa tình của phường, nhiều gia đình trong, ngoài phường... Công trình đã góp phần cải thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe người dân trong khu vực.

Các địa phương cũng cam kết sẽ tiếp tục nhân rộng các công trình xanh trong cộng đồng dân cư ngày càng nhiều hơn. Huyện Bình Chánh lên kế hoạch đến cuối năm 2024 sẽ xây dựng 106 công trình sạch-xanh-thân thiện với môi trường dựa vào cộng đồng dân cư; phấn đấu tất cả các ấp, khu phố trên địa bàn huyện có ít nhất một công trình làm điểm cấp huyện được công nhận và tiếp tục nhân rộng ở từng tổ nhân dân, tổ dân phố, khu nhà trọ, nhà ở tập thể, hộ gia đình... Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thành phố rất thiếu công viên, cây xanh.

Việc chuyển hóa thành công các bãi rác, khu đất hoang thành vườn hoa, vườn rau, điểm vui chơi… là nhờ phần lớn ở tinh thần đoàn kết của nhân dân, mỗi người dân ý thức được việc làm đó để chung tay góp công sức, kinh phí... Sức mạnh tổng hợp của nhân dân được huy động, tạo ra luồng sinh khí mới trong cộng đồng dân cư.

Theo các chuyên gia đô thị, đối với khu vực nội thành, chính quyền địa phương nên tiếp tục vận động người dân trồng cây xanh trên sân thượng, sân nhà, hẻm, vỉa hè... Thành phố cần quy hoạch và đầu tư xây dựng các "không gian xanh" ở vùng đô thị mới và vùng ven, ngoại thành để bù đắp những công trình bị bê-tông hóa như cầu, nhà chờ xe buýt... Với các dự án xây dựng hay bất động sản mới, cần buộc chủ đầu tư ưu tiên thực hiện "hạng mục xanh"; tiêu chí xanh cần là điều kiện bắt buộc trong thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở...

Thành phố nên sớm có chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, khai thác các công viên có quy mô lớn hơn 10 ha; trong đó, ngoài diện tích cây xanh, nên cho phép kinh doanh các loại hình vui chơi, giải trí, triển lãm, trưng bày hoa kiểng...

Ngoài ra, thành phố cần kiểm tra, thanh tra các công viên đang có dấu hiệu sử dụng sai mục đích và có biện pháp xử lý nghiêm khắc để trả lại không gian công cộng, mảng xanh cho cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần thanh tra, giám sát chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị về vấn đề cam kết xây dựng diện tích công viên, trồng cây xanh theo đúng quy định pháp luật.