Tăng cường kết nối trí thức, nhà khoa học Việt Nam với New Zealand

Sáng 10/3 (giờ địa phương), tại thành phố Auckland, trong chương trình chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nhóm khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand (VietTech NZ).
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với nhóm VietTech NZ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với nhóm VietTech NZ.

Nhóm được thành lập năm 2019 tại thành phố Auckland với mạng lưới rộng khắp New Zealand, tập hợp các nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, có người là nghiên cứu sinh, có người làm việc trong các doanh nghiệp New Zealand. Nhóm đặt mục tiêu gắn kết cộng đồng, kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trong nhóm cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ với trong nước, với New Zealand...

Mở đầu buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được gặp gỡ các thành viên của nhóm VietTech NZ; mong muốn được nghe các nhà khoa học trình bày về công tác nghiên cứu, học tập; đánh giá quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai nước; từ kinh nghiệm, cái gì có thể góp ý cho đất nước như thế nào, kết nối đội ngũ trí thức trong nước, tạo môi trường đào tạo ở New Zealand như thế nào? New Zealand có nền giáo dục tốt. Vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là xu thế của thế hệ trẻ, nhất là các ngành mới nổi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần có giải pháp để tranh thủ hợp tác với New Zealand; vấn đề là cần ổn định để phát triển, từ đó giúp đỡ gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước; cần tạo mạng lưới khoa học công nghệ, tạo chỗ đứng vững ở đây.

Tăng cường kết nối trí thức, nhà khoa học Việt Nam với New Zealand ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi tiếp.

Lãnh đạo nhóm VietTech NZ Phạm Đăng Khoa bày tỏ vui mừng về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước; cho biết ngành công nghệ thông tin ở New Zealand phát triển mạnh, đến nay có gần 30 công nghệ mới dựa trên công nghệ này. Cộng đồng Việt Nam nhận thức đây là cơ hội quan trọng để đi vào những lĩnh vực này, đóng góp phát triển cho đất nước, cầu nối cho phát triển quan hệ hai nước.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ New Zealand rất quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Các thành viên nhóm cho biết, ngành công nghệ y tế của New Zealand là mũi nhọn, quan trọng, năng động và phát triển nhanh, ứng dụng những nguyên vật liệu sẵn có để sáng tạo ra những thiết bị y tế tiên tiến. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ New Zealand rất quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Đối với lĩnh vực giáo dục, các công ty trong lĩnh vực công nghệ giáo dục của New Zealand cũng phát triển mạnh, 2/3 số doanh nghiệp này có sản phẩm xuất khẩu ra các thị trường lớn trên thế giới. Điều đó cho thấy thị trường này có cơ hội lớn vì để xuất khẩu được sản phẩm công nghệ giáo dục thì phải có sự hợp tác, do đó các doanh nghiệp này mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam.

Các chuyên gia trong nhóm cũng đóng góp nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam; trình bày nhiều ý tưởng hợp tác với Việt Nam, nhất là nguyện vọng mở rộng các chương trình giảng dạy về công nghệ thông tin về Việt Nam; phát triển những ngành công nghệ liên quan; tăng cường hợp tác về nhân lực trong các ngành y tế, tín chỉ carbon... Các thành viên mong muốn được Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nhóm được tăng cường hợp tác, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Tăng cường kết nối trí thức, nhà khoa học Việt Nam với New Zealand ảnh 2

Lãnh đạo nhóm VietTech NZ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp; mong muốn tiếp tục được hợp tác, nhận được các ý tưởng để góp phần phát triển giáo dục ở Việt Nam; cho rằng cần tổ chức các nhóm nghiên cứu giữa các nhà khoa học trẻ Việt Nam với các nhà khoa học người Việt ở New Zealand; cho rằng cần tăng cường số lượng du học sinh Việt Nam sang New Zealand học tập, nghiên cứu; giới thiệu các du học sinh New Zealand sang Việt Nam học tập; tăng cường quảng bá tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục của New Zealand.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cảm ơn các ý kiến đóng góp tại buổi gặp gỡ; về lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn coi trọng đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam sinh sống ở nước ngoài; mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đề án đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam theo hình thức cử các nhóm nhà khoa học trẻ Việt Nam sang cùng làm việc, học tập. Bộ trưởng khẳng định cần sự chung tay của các nhà khoa học Việt Nam ở New Zealand trong vấn đề này.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ cảm nhận chung, các chuyên gia, nhà khoa học đã thành đạt ở New Zealand, mong muốn được đóng góp cho đất nước; cho rằng cần tăng cường phối hợp để có các đề tài, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kết nối với đội ngũ trí thức Việt Nam, nhất là thành lập một nhóm đổi mới sáng tạo để kết nối với trong nước; trang bị thêm các kỹ năng, chuyên môn cho doanh nghiệp, sinh viên Việt Nam sang New Zealand làm việc, học tập.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, cho rằng những ý kiến này đã giúp các lãnh đạo có thêm tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề mới. Thủ tướng cho rằng vấn đề quan trọng là tăng cường kết nối hai nền giáo dục, đưa được các sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu ở New Zealand.

Thủ tướng cảm ơn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã trải qua nền giáo dục của hai nước, từng trải công việc cả hai nước và hiện nay đang chọn New Zealand là nơi cống hiến. Điều này cũng rất đáng quý vì muốn cống hiến nhiều cho đất nước cũng cần phải có kiến thức. Cuộc gặp này góp phần để Chính phủ đề ra định hướng quan hệ với New Zealand, trong đó ý kiến đóng góp của các trí thức người Việt là rất đáng quý.

Thủ tướng ấn tượng về nhiệt huyết của các trí thức, nói lên từ kinh nghiệm, trải nghiệm nhưng khái quát được tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết Việt Nam; nêu rõ, nhóm cần phải có địa vị pháp lý của nhóm, hoạt động có tổ chức, có pháp luật bảo vệ mình. Thủ tướng nhận thấy, đội ngũ trí thức người Việt ở New Zealand rất năng động, sáng tạo. Hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Con người là vốn quý nhất, cần phải được trưởng thành qua sự giáo dục đào tạo.

Về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có trang mạng để kêu gọi các trí thức, nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đóng góp cần sớm tổ chức diễn đàn khoa học công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài để các trí thức gặp gỡ. Thủ tướng mong lãnh đạo nhóm đứng ra thành lập hội và đăng ký hoạt động.

Tăng cường kết nối trí thức, nhà khoa học Việt Nam với New Zealand ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các thành viên nhóm VietTech NZ.

Về các lĩnh vực, Thủ tướng đề nghị quan tâm kết nối giáo dục đào tạo giữa hai nền giáo dục để Việt Nam tiếp cận nền giáo dục của nền giáo dục New Zealand là nước phát triển mà chúng ta cần học hỏi; đưa được nhiều con em chúng ta sang New Zealand học tập, nghiên cứu càng nhiều càng tốt để phát triển các kỹ năng.

Về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đề nghị nhóm cần giúp việc đào tạo kỹ sư phần mềm, chíp bán dẫn. Về lĩnh vực nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, tín chỉ carbon, Thủ tướng cho rằng cần tập trung thúc đẩy các lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực trồng rừng. Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, liên quan môi trường cũng là những lĩnh vực cần phải quan tâm.

Thủ tướng nêu rõ, chủ trương chung của Đảng là phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ; Thủ tướng mong nhóm trí thức góp ý về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ là những lĩnh vực Việt Nam đang rất cần.

Thủ tướng nêu rõ, nhóm tri thức cần truyền đạt lại các kinh nghiệm sống, học tập và làm việc tại New Zealand cho những sinh viên Việt Nam mới sang đây. Về vấn đề visa, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang nghiên cứu giải pháp để tạo thuận lợi hơn nữa cho khách nước ngoài đến Việt Nam. Đối với nguyện vọng có đường bay thẳng New Zealand đi Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu, tính toán kỹ.

Thủ tướng mong nhóm đoàn kết, nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau, cần tận dụng thế mạnh của chúng ta để 2 nền kinh tế Việt Nam và New Zealand bổ sung cho nhau. Nhóm phải là nòng cốt trong phát triển, kết nối khoa học công nghệ hai nước.