Dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm cho biết, hệ sinh thái của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ rất đa dạng và đa nền tảng. Trên nền tảng web, hệ sinh thái truyền thông của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đang vận hành gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung.
Bên cạnh nền tảng web, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã chủ động cung cấp thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo,… về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đang đi đầu trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Fanpage “Thông tin Chính phủ” hiện đang có hơn 5,4 triệu người theo dõi thường xuyên, số lượng người truy cập hằng ngày từ 15-20 triệu lượt, có ngày cao điểm lên đến 30 triệu lượt.
Bên cạnh đó, Kênh YouTube Thông tin Chính phủ có gần 300 nghìn người theo dõi với gần 7 triệu view hằng tháng, nhiều video đạt hơn 1 triệu lượt xem/video. Các trang thông tin trên Zalo nhận được sự quan tâm theo dõi của hơn 10 triệu tài khoản, trung bình hằng tháng có 2,3 triệu lượt người tiếp cận thông tin. Kênh thông tin Chính phủ trên Viber có hơn 166 nghìn thành viên.
Trên 2 kho ứng dụng điện thoại lớn nhất thế giới hiện tại là Appstore và CH Play, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đang vận hành 2 ứng dụng là Chinhphu.vn và Báo Điện tử Chính phủ.
Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Những thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ luôn là những thông tin chính thống, chính xác, có trọng tâm trọng điểm, có bản sắc, có tính dẫn dắt, định hướng đối với báo chí và dư luận; là nơi đầu nguồn phát ra những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết thông tin về chính sách, pháp luật, thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đều được các cơ quan báo chí trung ương, địa phương khai thác, đăng tải.
Cổng TTĐT Chính phủ làm đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng
Những thông tin trên hệ sinh thái Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được bạn đọc đón nhận, chia sẻ, từ đó lan tỏa thông tin chính thống, tích cực đến đông đảo người dân, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Về tình hình hoạt động của Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương: qua kết quả khảo sát 89 Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương, phần lớn Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đã cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.
Hiện có 4 bộ, cơ quan ngang bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Cổng dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh. Tổng số trang/cổng thông tin điện tử thành phần của các Bộ, ngành, địa phương là 5.635.
Có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai Cổng Thông tin điện tử đến cấp quận huyện (trong đó có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đến cấp xã, phường).
Có 43 Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đã kết nối, tích hợp đầy đủ với trang/cổng thông tin điện tử thành phần. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin trên các nền tảng Facebook (64 đơn vị), YouTube (25 đơn vị) và Zalo (45 đơn vị).
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành, phát triển Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng. (Ảnh: VGP) |
Trong quá trình nâng cấp, phát triển, phần lớn Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng làm SEO để hỗ trợ các công cụ tìm kiếm thông tin (index) (60 đơn vị), đồng thời cung cấp công cụ tìm kiếm theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (87 đơn vị). Có 66 đơn vị đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho Cổng Thông tin điện tử.
Tất cả các hệ thống Cổng Thông tin điện tử đều được bảo vệ bởi ít nhất một trong các giải pháp an toàn, an ninh thông tin và hầu hết đã được kiểm tra an toàn an ninh thông tin trước khi đưa vào sử dụng.
Qua khảo sát, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương sử dụng các công nghệ khác nhau để xây dựng Cổng Thông tin điện tử và được nâng cấp, phát triển chủ yếu trong giai đoạn 2019-2023. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, hệ thống Cổng Thông tin điện tử được nâng cấp, phát triển cách đây đã lâu (2014, 2015).
Đại tá Nguyễn Thị Phương, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Đại tá Nguyễn Thị Phương, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, tham luận về "Một số kinh nghiệm kết nối bảo đảm thông tin chỉ đạo điều hành về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử". Theo Đại tá Nguyễn Thị Phương, trong những năm gần đây, thách thức đối với an ninh, trật tự bên ngoài, bên trong, truyền thống, phi truyền thống gia tăng, tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với bảo đảm an ninh, trật tự.
Trong bối cảnh đó, bám sát và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác Công an, thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững an ninh, trật tự trong mọi tình huống. Bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, công tác kết nối đảm bảo thông tin chỉ đạo điều hành về an ninh, trật tự xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử cũng có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Tham luận chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành, phát triển Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng và triển khai chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến với các Cổng Thông tin điện tử thành phần, Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng nêu 5 điểm kiến nghị, đề xuất:
Thứ nhất, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, dẫn dắt nghiệp vụ đối với hoạt động của trang Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương thông qua nhiều hình thức như đề xuất, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, thông tư, hành lang pháp lý, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn; tổ chức các hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm, các hội nghị chuyên đề, tập huấn.
Thứ hai, tăng cường hoạt động điều phối, kết nối giữa Cổng Thông tin điện tử Chính phủ với Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, hình thành mạng lưới thống nhất theo hướng xây dựng mã ngành của Trung ương, địa phương. Thông qua đó nâng cao hiệu quả của 5.635 trang Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, đề xuất Bộ Nội vụ và Chính phủ thống nhất về tổ chức biên chế, nhân lực, tránh tình trạng nhân lực trang Cổng Thông tin điện tử kiêm nhiệm, số lượng không thống nhất do phân công làm thêm, dẫn đến hạn chế trong công việc.
Thứ tư, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và có hướng dẫn chỉ đạo hằng năm toàn diện, bao gồm cả công tác chuyên môn và công tác tài chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biêu ý kiến kết luận hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nêu rõ, hiện nay, chúng ta đang có 2 Cổng ở các bộ, cơ quan: Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Thông tin điện tử bộ ngành, địa phương.
Cổng Dịch vụ công quốc gia có 3 nhiệm vụ chính: Tích hợp và cung cấp các thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 6.300 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền; Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Ta đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong đó có cả toàn trình; mức độ 1, 2 triển khai được khoảng 70% trong số 6.300 thủ tục hành chính; Tiếp nhận xử lý các phản ánh kiến nghị của người dân, các tổ chức, trong đó cả doanh nghiệp. Chính phủ thường xuyên có báo cáo về các hoạt động này kể cả công tác cải cách thủ tục hành chính.
Hôm nay, chúng ta bàn về việc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ kết nối, chia sẻ, liên thông với các Cổng Thông tin điện tử bộ ngành, địa phương phục vụ không những sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn phục vụ chỉ đạo của các bộ ngành, địa phương. Nhiệm vụ rất nhiều, nhưng với 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn của các bộ ngành, địa phương).
Theo báo cáo, trong 89 bộ ngành, địa phương, có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trong đó có 14/18 bộ và cơ quan ngang bộ; 6/8 cơ quan thuộc Chính phủ) đã cung cấp đầy đủ thông tin. Các cơ quan bộ ngành còn lại chưa cung cấp đầy đủ thông tin ; đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo trong thời gian sớm nhất cung cấp đầy đủ. Trong 63 tỉnh, thành phố, có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp đầy đủ các thông tin. Chúng ta còn 6 địa phương; đề nghị sau Hội nghị này, các đồng chí báo cáo với lãnh đạo địa phương mình khẩn trương hoàn thiện, hoàn thành nhiệm vụ này.
Đã có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp kịp thông tin đến cấp huyện và có 29 tỉnh, thành phố Trung ương cung cấp thông tin đến cấp xã, phường, thị trấn. Đề nghị các đồng chí báo cáo với lãnh đạo địa phương quan tâm để sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đến kịp thời người dân; để kết nối thông tin nhanh, trực tiếp, hiệu quả.
Hiện nay, chúng ta có 43 Cổng Thông tin điện tử các bộ ngành, địa phương đã tích hợp đầy đủ với các Trang, Cổng Thông tin điện tử. Những bộ ngành, địa phương nào chưa làm được thì cố gắng tích hợp. Tất nhiên, còn vấn đề nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực để vận hành, không khác gì thời kỳ chúng ta phấn đấu 1 cửa cải cách thủ tục hành chính, rồi phấn đấu 1 cửa liên thông, xong thành lập Trung tâm hành chính công các tỉnh, thành phố. Ngoài biên chế ở Trung tâm dịch vụ công, các sở ngành liên quan phải cử người kinh nghiệm giải quyết công việc.
Sau bước tiến nữa, các bộ phận 1 cửa liên thông này không phụ thuộc vào địa giới hành chính nữa. Năm 2024 có 5 địa phương thí điểm Trung tâm dịch vụ hành chính công 1 cấp trong đó có Hà Nội. Phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói tương đối rõ điều này. 5 tỉnh, thành phố Trung ương làm rất tốt việc này, trong đó có Bắc Ninh. Bắc Ninh giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (dịch vụ hành chính công) là một những tỉnh đứng đầu cả nước, kể cả mức độ công khai, minh bạch kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Vấn đề số hóa, hồ sơ ở Bắc Ninh cũng rất cao. Mức độ phản ánh và xử lý kiến nghị ở Bắc Ninh cũng làm rất tốt. Còn nhiều tỉnh nữa nhưng hôm nay có đại diện Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh phát biểu nên tôi nói thêm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề xuất mấy nhiệm vụ sau:
Một là, đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quan tâm; có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin. Đây là vấn đề mấu chốt. Chúng ta nâng cấp hệ thống thông tin ở các bộ ngành, địa phương sau đó mới kết nối, liên thông, chia sẻ. Mục tiêu ta đang đi là: Hiện nay, ta thành lập ở 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Trung tâm dịch vụ hành chính công 1 cấp để sau này người dân ở xã chỉ cần đến xã là có thể giải quyết được các thủ tục hành chính mà kết nối được với Trung ương, không phải về Trung ương nữa. Vậy, Cổng Thông tin điện tử của chúng ta cũng phải thế. Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép dùng vốn chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp các hệ thống thông tin; trong đó có việc kết nối, liên thông thông tin. Do vậy, vấn đề về vốn không mắc nữa. Nên chúng ta phải đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin.
Thứ hai, phải đầu tư nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực làm việc trực tiếp.
Thứ ba, về tổ chức, đề nghị các bộ ngành, địa phương thống nhất Cổng Thông tin điện tử trực thuộc Văn phòng. Ở địa phương, Cổng Thông tin điện tử trực thuộc Văn phòng của UBND tỉnh, thành phố còn ở Bộ thì trực thuộc Văn phòng Bộ. Hiện nay, chúng ta có bộ phận 1 cửa ở Văn phòng cấp Bộ. Ở địa phương thì có địa phương nằm ở một số sở; có địa phương thì có Trung tâm dịch vụ hành chính công. Việc này phải triển khai ngay vì Nghị định 42 ban hành và triển khai từ năm 2022 rồi.
Thứ tư, những kiến nghị hôm nay tương đối nhiều về các khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp lại; phân nhóm kiến nghị, khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề nghị cấp đó xem xét, xử lý.
Thứ năm, đề nghị Cổng Thông tin điện tử các bộ ngành, địa phương phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ không những truyền thông chính sách một cách kịp thời mà còn phải xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân một cách kịp thời; đồng thời, phối hợp với các bộ ngành làm tốt các chức năng, nhiệm vụ.