TP HỒ CHÍ MINH - LONG AN

Tăng cường kết nối, giao thương

Long An là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, giáp “cửa ngõ” phía tây nam của TP Hồ Chí Minh, có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Long An đã được sản xuất theo chiều sâu, nâng cao dần về chất lượng. Tuy nhiên, việc hạn chế đầu ra khiến cho Long An gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Chính vì thế, việc tăng cường kết nối giao thương với TP Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi để Long An mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và TP Hồ Chí Minh cũng có thêm nguồn cung cấp sản phẩm an toàn…

Một điểm thu mua, đóng gói thanh long ở Long An.
Một điểm thu mua, đóng gói thanh long ở Long An.

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh Long An vẫn tiếp tục đạt bình quân khoảng 3,9%/năm. Trong đó, sản lượng lúa đạt bình quân 2,75 triệu tấn/năm (lúa chất lượng cao chiếm 30%); rau, đậu các loại 180.000 tấn/năm, hoa quả 300.000 tấn/năm; thịt hơi các loại 72.000 tấn/năm; trứng gia cầm 160 triệu trứng/ năm… Một số sản phẩm chủ lực của Long An như thanh long, chanh, dưa hấu… tiếp tục được bảo đảm về chất lượng và được thị trường trong và ngoài nước tin dùng.

Tuy vậy, việc mở rộng thị trường, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm mới cho nông sản ở Long An vẫn là một khâu khó. Ông Lê Minh Chánh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thanh long Long Trì (Châu Thành, Long An) cho biết, thanh long của HTX chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, dù thị trường này vẫn đang tiêu thụ tốt, nhưng HTX vẫn muốn mở thêm thị trường khác để ổn định đầu ra lâu dài.

Nỗi lo không tìm được nơi tiêu thụ ổn định cũng là vấn đề “đau đầu” đối với HTX thương mại dịch vụ Phước Thịnh (Cần Giuộc, Long An). Mỗi ngày, các xã viên của HTX sản xuất được gần 10 tấn rau an toàn. Do không có nhiều thị trường tiêu thụ, cho nên HTX chỉ bán được cho các công ty tại TP Hồ Chí Minh khoảng ba đến bốn tấn/ngày.

Một trong những nguyên nhân khiến đầu ra cho mặt hàng nông sản ở Long An còn hạn chế là do không ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan, TP Hồ Chí Minh) Văn Đức Mười cho biết, công ty cần những nguồn thực phẩm sạch, an toàn, cho nên khi phát hiện người sản xuất không bảo đảm yêu cầu đó thì đơn vị không thể ký kết tiêu thụ.

Ngoài ra, việc nhiều vùng sản xuất tập trung liên kết hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín trên địa bàn tỉnh Long An còn hạn chế, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi chưa tốt, đội ngũ quản lý, cán bộ nông nghiệp hạn chế về trình độ… cũng là một trong những rào cản khiến sản phẩm nông nghiệp của Long An chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Tăng cường kết nối giao thương với TP Hồ Chí Minh là hướng đi phù hợp để Long An nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Thông qua ký kết các chương trình hợp tác giữa hai địa phương, nhiều doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đã đến Long An đầu tư và xem nơi đây là một trong những vùng cung cấp thực phẩm quan trọng cho thành phố.

Giám đốc Công ty TNHH San Hà (TP Hồ Chí Minh) Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, nhiều năm qua, Công ty San Hà đã tham gia vào chương trình kích cầu tại Long An. Năm 2008, San Hà đã xây dựng dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại và quy mô lớn tại huyện Bến Lức (Long An). Công ty đã đầu tư các giống gà truyền thống, đặc trưng của địa phương theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm gia cầm. “Với nguồn gà ta từ Long An, công ty chúng tôi đã cung cấp cho các siêu thị hàng nghìn con/ngày và sản lượng ngày càng tăng. Hướng tới, công ty sẽ mở rộng dòng sản phẩm gà ta Long An, vịt Long An, gà ta Hương Thảo nuôi ở Long An nhằm tiếp tục cung cấp cho thị trường cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng những mặt hàng bảo đảm VSATTP”, bà Phạm Thị Ngọc Hà cho biết thêm.

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn Long An cũng là hướng đi của Công ty TNHH Ba Huân. Hiện, Công ty Ba Huân đã mở trang trại, nhà máy thực phẩm tại Long An, thực hiện mô hình công nghệ cao và khép kín để đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chuẩn về VSATTP.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, muốn mở rộng thị trường, người nông dân Long An phải thay đổi tư duy sản xuất, bảo đảm cung cấp những sản phẩm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap… Long An cần chú trọng đến mô hình sản xuất mới, tập trung với quy mô lớn. Đối với việc kinh doanh nhỏ lẻ như hiện nay, Long An cần tìm ra những đơn vị thu mua sản phẩm có uy tín nhằm giúp cho người dân không bị ép giá, tốn nhiều chi phí ở khâu trung gian.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quỳnh Trang, tỉnh Long An cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN ở TP Hồ Chí Minh vào đầu tư tại địa phương. Giữa hai địa phương tiếp tục xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch. Đây cũng là cách hữu hiệu góp phần bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như thu nhập cho người dân Long An.