Tăng cường hợp tác Đà Nẵng - Sekong (Lào)

NDO -

Chiều 9/6, tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) do đồng chí Leklay Sivilay, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. 

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Sekong thăm và làm việc tại Đà Nẵng.
Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Sekong thăm và làm việc tại Đà Nẵng.

Tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Sekong có các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 địa phương đã giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội, cùng trao đổi về những cơ hội hợp tác, phát triển song phương giữa hai địa phương. Trong những năm qua, hai bên đã cử nhiều đoàn cấp cao sang thăm, làm việc; ký kết 5 biên bản ghi nhớ về hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tăng cường hợp tác Đà Nẵng – Sê Kông (Lào) -0

Lãnh đạo Đà Nẵng tặng quà lưu niệm cho đoàn lãnh đạo tỉnh Sekong.

Hai bên đã đề xuất Chính phủ hai nước sớm triển khai xây dựng tuyến đường Hành lang kinh tế Đông Tây 2, từ Đakcheung đến biên giới Việt Nam (tỉnh Quảng Nam) nhằm xúc tiến giao lưu thương mại và du lịch giữa Sekong-Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh nam Lào với khu vực miền trung-Tây Nguyên của Việt Nam nói chung.

Hai bên thường xuyên duy trì các đoàn lãnh đạo cấp cao thăm viếng lẫn nhau, ký nhiều Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác. Gần đây nhất, năm 2016, đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đến thăm tỉnh Sekong và ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai địa phương giai đoạn 2018-2022 với tổng kinh phí hỗ trợ là 28,2 tỷ đồng.

Trên cơ sở các bản ghi nhớ, thỏa thuận, từ năm 2002 đến 2012, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ tỉnh Sekong nhiều dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, huấn luyện thể thao, đào tạo nguồn nhân lực với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, tất cả các chương trình cam kết giữa thành phố và tỉnh Sekong đã triển khai đầy đủ. Thành phố Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ tỉnh Sekong trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: thủy lợi, xây dựng trạm bơm thủy điện tưới ruộng, phà quay tay qua sông, quy hoạch huyện Dakchueng, trạm nghiền thức ăn gia súc, giống vật nuôi, cây trồng.

Tăng cường hợp tác Đà Nẵng – Sê Kông (Lào) -0

Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Sekong để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, vun đắp tình hữu nghị bền chặt.

Trên lĩnh vực hợp tác, hỗ trợ phát triển giáo dục-đào tạo, từ năm 2003 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận hàng trăm lưu học sinh tỉnh Sekong sang học tập tại Đại học Đà Nẵng; nhiều cán bộ, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã về công tác tại các sở, ban, ngành của tỉnh Sekong. Năm 2009, Đà Nẵng hỗ trợ Hội Việt kiều tỉnh Sê Kông 50.000 USD xây dựng trường cấp I mang tên Hữu nghị, hiện đang triển khai nâng cấp thành Trường Trung học Hữu nghị. Trường Chính trị tỉnh Sekong do Đà Nẵng tài trợ 10 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2011, đến nay hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng hỗ trợ 10 cán bộ thuộc Sở Giáo dục-Thể thao tỉnh Sekong sang trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Đà Nẵng; cử 2 giáo viên sang dạy tiếng Việt miễn phí tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Sekong.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Sekong để giúp địa phương bạn phát triển kinh tế-xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị bền chặt Đà Nẵng-Sekong nói riêng, Việt - Lào nói chung.

Sekong là tỉnh ở Nam Lào, được thành lập năm 1984, chia tách ra từ tỉnh Salavane, có đường biên giới giáp với các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum (Việt Nam), tổng diện tích gần 11.570km2, trong đó diện tích đất rừng chiếm 60%, dân số 95.000 người, bao gồm 14 dân tộc khác nhau, chủ yếu là người Lào, Cơ tu, Tarieng và Krieng. Diện tích đất nông nghiệp lớn, vùng đồng bằng thung lũng sông Sekong màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển xen kẽ đồng lúa và vườn cây ăn quả. Sekong có rất nhiều tiềm năng lớn như thủy điện, khoáng sản, trồng cây công nghiệp, cơ sở hạ tầng, khu du lịch sinh thái với những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với hệ thực vật và động vật phong phú, có thác nước nổi tiếng Tat May Hear... đây là những tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch sinh thái.