Tăng cường hoạt động tuyên truyền và phòng, chống xâm hại động vật hoang dã

NDO -

Sáng 9-11, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (Hội đồng) đã tổ chức hội nghị tư vấn triển khai hoạt động tuyên truyền chống xâm hại động vật hoang dã.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Tham gia hội nghị có các đại diện, thư ký của tất cả các hội đồng khoa học cơ sở trong các cơ quan Đảng Trung ương.

Hội nghị tập trung tư vấn hoàn thiện nội dung, hình thức thể hiện thông điệp truyền thông và bàn các giải pháp phù hợp  triển khai trưng bầy áp phích cổ động tại các văn phòng, trụ sở cơ quan Đảng Trung ương trong thời gian tới.

Đây là hoạt động cụ thể nhằm củng cố nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các cơ quan Đảng Trung ương trong công tác bảo vệ các động, thực vật hoang dã, qua đó thiết thực tổ chức thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Hướng dẫn số 72-HD/BTGTW ngày 20-3-2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh, triệt phá các đường dây xâm hại các loài động vật hoang dã, song tại một số địa phương, hoạt động săn bắt, chế tác và bày bán các sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi và sừng tê giác còn diễn biến phức tạp, thách thức nỗ lực thực thi pháp luật.

Để ngăn chặn tình trạng và đấu tranh có hiệu quả loại hình tội phạm có tổ chức cố tình xâm hại các động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17-9-2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền,… và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp để xảy ra vi phạm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra các vi phạm tại địa bàn do mình quản lý.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác và ngà voi trong thị trường nội địa.

Các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vi phạm hành chính tập trung rà soát các vụ việc vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, mẫu vật hổ khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc theo quy định của pháp luật hiện hành và công khai trước công luận kết quả xử lý.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tích cực tham gia thực hiện các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đề xuất các giải pháp quản lý Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền...

Tăng cường hoạt động tuyên truyền và phòng, chống xâm hại động vật hoang dã -0
Dự thảo mẫu áp-phích cổ động. 

Chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 152 ngày 30-5-2016 và Kế hoạch số 153 ngày 29-5-2017 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện.

Kết quả, qua hơn bốn năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 và hơn ba năm thực hiện Chỉ thị số 28, lực lượng Công an nhân dân, mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát môi trường, đã đạt được nhiều kết quả, thành tích đáng ghi nhận. Điển hình, đã chủ động tham mưu đề xuất và phối hợp với các ngành chức năng sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật hoang dã... Đã phát hiện, xử lý và phối hợp xử lý gần 50 nghìn vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và xâm hại động vật hoang dã, trong đó khởi tố xử lý hình sự 474 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 240 tỷ đồng.

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm còn diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu và thách thức cao cho công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân. Do đó, Công an các đơn vị, địa phương phải quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch của Bộ Công an, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác này; Đặc biệt, tập trung triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh theo chuyên đề, mở các đợt cao điểm đấu tranh, xử lý trên các lĩnh vực, ngành hàng, tuyến, địa bàn trọng điểm thường xảy ra vi phạm (cả trên internet, mạng xã hội). Qua đấu tranh, xử lý vi phạm cần phát hiện được nguyên nhân để tham mưu, kiến nghị giải pháp khắc phục. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng rà soát, xác định những vướng mắc, bất cập về pháp luật liên quan đến điều tra, xử lý hình sự về môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ động vật hoang dã để tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh theo chỉ đạo của Chính phủ. Cục Cảnh sát môi trường phát huy vai trò thường trực, tham mưu, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ động vật hoang dã. Tổ chức tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn hệ lực lượng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả…