Tăng cường giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

NDO - Ngày 20/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực-Thực trạng và giải pháp”.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đăng Khoa)
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đăng Khoa)

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, hội thảo nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, xác định các giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực do nhân dân giao phó để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm khiết, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đồng chí đề nghị, hội thảo tập trung làm rõ thêm nội hàm của văn hóa liêm chính; xác định những nhiệm vụ của công tác giáo dục liêm chính; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác giáo dục liêm chính; đề xuất các giải pháp đổi mới công tác giáo dục liêm chính trong các nhà trường, lực lượng vũ trang, trung tâm chính trị.

Tăng cường giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đăng Khoa)

Hơn 20 tham luận gửi đến và trình bày tại hội thảo đã phân tích, đánh giá chính xác thực trạng công tác giáo dục liêm chính, qua đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính.

Từ góc độ nghiên cứu lý luận, nhiều đại biểu cho rằng liêm chính là phẩm chất hàng đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để tăng cường giáo dục liêm chính, tự thân mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng đó, các cấp ủy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên; cần coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và thực hành liêm chính; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quán triệt, triển khai các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện liêm chính.

Xuất phát từ khó khăn, vướng mắc tại một số nhà trường, nhiều đại biểu đề xuất cần xây dựng nội dung liêm chính phù hợp cho từng đối tượng; đa dạng hóa các hình thức giáo dục như xây dựng chuyên đề, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, lồng ghép vào sinh hoạt ngoại khóa.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo. Nhiều đề xuất, kiến nghị giúp các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức tốt hơn công tác giáo dục đạo đức, liêm chính, xây dựng văn hóa liêm chính, thực hành liêm chính… góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Những đóng góp tại hội thảo sẽ được Ban Chỉ đạo tiếp thu, nghiên cứu nhằm hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính.