Nhìn lại diễn biến của chuỗi sự kiện này có thể thấy những trường hợp viêm gan chưa rõ nguyên nhân đầu tiên được ghi nhận từ tháng 10/2021 tại bang Alabama (Hoa Kỳ). Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cũng đã tiến hành những nghiên cứu đầu tiên đánh giá nguyên nhân những trường hợp viêm gan cấp này.
Tháng 4/2022, hàng loạt các trường hợp (72 ca) viêm gan cấp tính ở trẻ em được ghi nhận tại Vương quốc Anh, khiến CDC châu Âu phải ngay lập tức ban bố các biện pháp giám sát tích cực nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đánh giá nguyên nhân. Theo một nghiên cứu được công bố ngày 13/5 trên tạp chí The Lancet Gastroenterology and Hepatology, các nhà khoa học của Đại học Imperial College London (Vương quốc Anh) phát hiện ra rằng viêm gan bí ẩn ở trẻ có thể liên quan với Covid-19.
Hầu hết trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đều xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa trước khi vàng da, và trong một số trường hợp là suy gan cấp tính. Các bác sĩ không tìm thấy vi-rút gây viêm gan A, B, C, D, E ở các bệnh nhi này. Tại khu vực châu Á ghi nhận 8 trường hợp chết trong đó 7 trường hợp ghi nhận tại Indonesia và 1 trường hợp tại Palestine.
Kết quả phân tích ban đầu đánh giá các giả thuyết về căn nguyên của bệnh đã được các nhà khoa học trên thế giới công bố trên các tạp chí hàng đầu cho thấy những nguyên nhân dưới đây có thể là căn nguyên hoặc một phần căn nguyên của căn bệnh mới và đặc biệt nguy hiểm này. Thứ nhất, đây có thể là một bệnh nhiễm trùng Adenovirus thông thường, nhưng do một trong những nguyên nhân dưới đây đã làm bệnh trở nên nghiêm trọng:
Tính nhạy cảm bất thường hoặc phản ứng của cơ thể người cho phép nhiễm Adenovirus trở nên nặng hơn thành viêm gan (bao gồm cả trực tiếp hay bệnh lý miễn dịch), thí dụ do ít bị phơi nhiễm trong đại dịch Covid-19; một đợt nhiễm trùng Adenovirus thông thường nhưng có những trường hợp bệnh nặng, biến chứng rất hiếm hoặc ít được công nhận nhưng giờ được ghi nhận; Tính nhạy cảm bất thường hoặc phản ứng của vật chủ với Adenovirus do nhiễm trùng trước đó với SARS-CoV-2 (bao gồm cả Omicron) hoặc nhiễm trùng khác; tính nhạy cảm bất thường hoặc phản ứng của cơ thể người với Adenovirus do đồng nhiễm SARS-CoV-2 hoặc một bệnh nhiễm trùng khác; tính nhạy cảm bất thường hoặc phản ứng của người với Adenovirus do tiếp xúc với độc tố, thuốc hoặc yếu tố môi trường nào đó. Thứ hai, một biến thể Adenovirus hoàn toàn mới, có hoặc không có sự đóng góp của một đồng yếu tố như đã liệt kê ở trên. Thứ ba, hội chứng hậu Covid. Thứ tư, tiếp xúc với thuốc, chất độc hoặc môi trường. Thứ năm, một biến thể mới của SARS-CoV-2. Thứ sáu, một mầm bệnh hoàn toàn mới hoạt động đơn lẻ hoặc đồng nhiễm.
Trên phương diện nghi ngờ tác nhân vẫn là Covid-19, một nghiên cứu trường hợp gần đây của Mỹ được công bố trên Tạp chí Khoa học tiêu hóa và Dinh dưỡng nhi khoa đã phân tích một bé gái ba tuổi khỏe mạnh trước đó bị suy gan cấp tính vài tuần sau khi hồi phục sau nhiễm Covid-19 nhẹ. Tiến sĩ Anna Peters, bác sĩ tiêu hóa nhi tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati cho biết: Bệnh nhân có kết quả sinh thiết gan và xét nghiệm máu phù hợp với một loại viêm gan tự miễn dịch có thể được kích hoạt bởi mắc Covid-19. Peters, tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng mặc dù không thể chứng minh rằng Covid-19 trực tiếp gây ra bệnh gan trong trường hợp này, nhưng có thể vi-rút đã kích hoạt một “phản ứng miễn dịch bất thường” sau đó tấn công gan. Một nhóm nghiên cứu của Ấn Độ cũng đã nghiên cứu liệu Covid-19 có thể đã gây ra hàng chục trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em ở miền trung Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 7/2021.
Nghiên cứu này đã phân tích 475 trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, có 47 trong số đó bị viêm gan nặng. Trong số đó, 10 người được phát hiện có các triệu chứng của Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C) và đã bị loại trừ, 37 trường hợp còn lại được phân loại là có bệnh mà các nhà nghiên cứu đặt tên là Bệnh viêm gan liên quan tới Covid-19 ở trẻ em.
Quay lại tình hình của châu Âu, sau khi kích hoạt hệ thống giám sát bệnh viêm gan, CDC châu Âu đã sử dụng mẫu thu thập số liệu giám sát chung cho 27 nước thuộc EU và 3 nước không thuộc EU.
Về cách lây truyền, những kết quả phân tích ban đầu cho thấy sự lây truyền có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với những người bị nhiễm bệnh thông qua việc hít phải các giọt bắn, đường phân-miệng, hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với các vật thể bị ô nhiễm. Nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng trong khu vực kín, thí dụ như trong bệnh viện, trường học, và các đợt bùng phát nghiêm trọng của nhiễm trùng đường hô hấp hoặc viêm kết mạc do Adenovirus đã được mô tả có liên quan đến nhiều loại vi-rút khác nhau. Một số đợt bùng phát bệnh nặng hơn đã được báo cáo giữa các nhóm người suy giảm miễn dịch.
Đối với Adenovirus, thời gian ủ bệnh đối với Adenovirus đường hô hấp được ước tính là từ 2 đến 14 ngày và đối với các vi-rút đường ruột từ 3 đến 10 ngày. Tỷ lệ nhiễm Adenovirus đạt cao nhất trong độ tuổi từ sáu tháng đến năm tuổi, nhưng tỷ lệ mắc cao nhất đã được mô tả ở trẻ em dưới hai tuổi.
Như vậy, dù chưa được xác định, tuy nhiên hai tác nhân dưới đây đang được coi là có khả năng cao nhất gây ra các trường hợp viêm gan cấp. Thứ nhất là Adenovirus, ở Vương Quốc Anh, 40 trong số 53 trẻ nhiễm được xét nghiệm cho kết quả dương tính với Adenovirus chiếm 75%. Dữ liệu cho biết 11 trường hợp phát hiện Adenovirus trong máu và tất cả đều thuộc loại 41F. Adenovirus được phát hiện phổ biến hơn trong các mẫu máu/huyết thanh hơn là trong các mẫu phân hoặc đường hô hấp. Thứ hai là SARS-CoV-2, được gặp khá thường xuyên trong các trường hợp mắc bệnh.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nào tuy nhiên cũng đã có những báo cáo ban đầu về một số trường hợp viêm gan cấp không xét nghiệm được các tác nhân thông thường và được đưa vào hệ thống giám sát khẩn cấp. Ngày 9/5/2022, Bộ Y tế gửi Công văn số 2329/BYT-DP tới các sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ gửi Công văn số 2956/VPCP-KGVX tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về việc dịch bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Ngày 13/5/2022, Bộ Y tế tiếp tục gửi Công văn số 2480/BYT-DP đến các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc giám sát các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Kinh nghiệm từ giám sát và kiểm soát Covid-19 cho thấy việc hành động nhanh và dứt khoát ngay từ đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh từ giai đoạn sớm và điều đó sẽ giúp hạn chế những tổn thất phía sau. Mọi sự trì hoãn trong giám sát, kiểm soát bệnh sẽ dẫn đến những hậu quá khó lường cũng như nguy cơ quá tải hệ thống khi bệnh đã lan tràn quy mô lớn.
Trong thời gian sắp tới, các nhà khoa học tại Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi các công bố trên thế giới cũng như rà soát các trường hợp tại Việt Nam. Trong khi chờ đợi, các biện pháp không đặc hiệu tiếp tục được thực hiện như: bảo đảm công tác khử trùng dụng cụ y tế; giữ vệ sinh tay, che miệng khi ho; khi thăm khám bệnh nhân cần sử dụng găng tay, áo choàng và kính bảo hộ dùng một lần tránh lây nhiễm vi-rút; khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn cho trẻ.
Tại các bệnh viện có khả năng xảy ra các trường hợp viêm gan cấp tính, nên hạn chế việc chuyển bệnh nhân hoặc di chuyển nhân viên giữa các đơn vị bệnh viện khác nhau để tránh lây truyền. Cũng nên tránh giao tiếp các trường hợp có thể bị viêm gan cấp tính với các bệnh nhân khác.
Cần triển khai các cuộc điều tra sâu hơn về lâm sàng và phơi nhiễm; xét nghiệm độc chất với môi trường và thực phẩm; các xét nghiệm vi sinh bổ sung; tăng cường các hoạt động giám sát; công bố và đưa ra cảnh báo cho công chúng về sự gia tăng số ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Bên cạnh đó, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và CDC châu Âu để cảnh báo các quốc gia khác về tình trạng này; triển khai bộ kit xét nghiệm nhanh để có thể đáp ứng trong trường hợp số ca bệnh tăng nhanh; lấy mẫu không xâm lấn trên các đối tượng là thành viên hộ gia đình/tiếp xúc gần với bệnh nhân; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh tay...; đồng thời thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho các biện pháp toàn cầu bao gồm:
Các quốc gia cần chủ động giám sát, điều tra, báo cáo ca bệnh, bao gồm cả thông tin dịch tễ học và yếu tố nguy cơ. Nên tiến hành xét nghiệm máu, mẫu huyết thanh, nước tiểu, phân và đường hô hấp, cũng như các mẫu sinh thiết gan (nếu có), với các mô tả thêm về vi-rút bao gồm giải trình tự. Các nguyên nhân lây nhiễm và không lây nhiễm khác cần được điều tra kỹ lưỡng. Không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào đối với việc đi lại và thương mại với Vương quốc Anh, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác nơi các trường hợp được xác định, dựa trên thông tin hiện có.
Tăng cường giám sát, sẵn sàng phòng, chống bệnh viêm gan cấp ở trẻ em
Tính tới thời điểm hiện tại, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ đã xuất hiện tại 27 quốc gia trên thế giới với ít nhất 462 trường hợp nhiễm bệnh. Trong khi chờ xác định rõ tác nhân cũng như biện pháp can thiệp, các biện pháp không đặc hiệu tiếp tục được thực hiện.
(Ảnh minh họa) |