Tăng cường công tác thu hồi tài sản tại các bản án

NDO - Chiều 19/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý 2/2022. Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư Pháp cho biết, nửa năm 2022, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện thông qua việc lồng ghép trong tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo và yêu cầu các báo cáo... để tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp thông tin tại buổi họp báo.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp thông tin tại buổi họp báo.

Bên cạnh việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, ban hành Danh mục báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến; thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. Bộ, ngành tư pháp đã tập trung tham mưu triển khai Quyết định số 407/2022/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 274 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người…

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có hơn 9.700 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…

Liên quan công tác thi hành án dân sự, bộ, ngành tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kết quả, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong là 348.490 việc (đạt tỷ lệ 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 29,47%).

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về khó khăn trong công tác thu hồi tài sản tại các bản án, lãnh đạo Tổng cục thi hành án dân sự cho biết, có những vụ án có tài sản bảo đảm thi hành án nhưng tính chất pháp lý của tài sản lại chưa được làm rõ nên phải đợi làm rõ mới có thể kê biên, xử lý tài sản.

Liên quan vụ án Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, theo Tổng Cục thi hành án dân sự, đến nay Phan Sào Nam đã nộp hơn 1.300 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.400 tỷ phải thi hành án.

Riêng đối với Nguyễn Văn Dương, số tiền phải thi hành án là hơn 1.600 tỷ nhưng mới thu hồi được khoảng 315 tỷ. Qua xác minh, cơ quan thi hành án xác định Nguyễn Văn Dương có tài sản bảo đảm thi hành án ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tài sản bảo đảm không còn nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành án.

Đối với câu hỏi về việc các cơ quan chức năng đang nghiên cứu việc cho phép tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả trong các vụ án để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng chính sách khoan hồng, theo đại diện Tổng cục thi hành án dân sự, đây là chủ trương mà Đảng, Nhà nước ta đã có từ lâu.

Hiện, Bộ Tư pháp đang giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra ý kiến chính thức.