Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 328 tòa chung cư cao tầng, gồm 84 tòa nhà thương mại, 24 tòa nhà tái định cư, một tòa nhà ở xã hội và 219 chung cư cũ. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhà chung cư, thời gian qua, quận Thanh Xuân thành lập các tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân; tập trung giải quyết các hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý chung cư...
Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Riêng đối với 109 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, đến nay mới có 90 tòa nhà thành lập ban quản trị. 83/90 tòa nhà được chủ đầu tư bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng; 54/90 tòa nhà được chủ đầu tư bàn giao hết quỹ bảo trì tòa nhà, trong đó một số tòa chung cư còn tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân.
Điển hình như tại chung cư The Legacy, số 106 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, chủ đầu tư đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc đối với các tầng khối đế, nhà trẻ, khu vực sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Dự án đang chờ kết luận thanh tra, cho nên các thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nhiều căn hộ chung cư chưa được cấp sổ đỏ.
Cư dân lấy lý do công trình chưa hoàn thành toàn bộ các hạng mục, chưa được nghiệm thu, chưa bảo đảm các tiện ích theo hợp đồng mua bán, cho nên không đóng phí dịch vụ, không phối hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư... Một trường hợp khác là dự án chung cư Trung tâm thương mại và văn phòng, căn hộ Artemis, số 3 phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, hiện đang có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân liên quan đến công tác quản lý, sử dụng diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, giá dịch vụ, diện tích sử dụng chung, riêng chưa được giải quyết dứt điểm.
Do chưa thống nhất được nhân sự, nội quy, quy chế hoạt động của tòa nhà, đến nay hội nghị lần đầu của tòa nhà cũng chưa được tổ chức. Cư dân chung cư phản ánh chủ đầu tư tăng giá gửi ô-tô, xe máy, xe đạp vượt mức quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nhất là công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa đúng quy định. Anh Nguyễn Văn Sơn, cư dân sinh sống tại chung cư cho biết, cuối tháng 9/2023, lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, phát hiện hệ thống báo cháy tự động bị lỗi, yêu cầu khắc phục, nhưng chủ đầu tư chậm trễ khắc phục. Ngoài ra, một số đơn vị hoạt động tại tòa nhà cũng vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.
Mới đây, Hội đồng nhân dân quận Thanh Xuân tiến hành giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn. Đoàn giám sát ghi nhận công tác thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng nhà chung cư được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà chung cư còn hạn chế trong công tác bàn giao hồ sơ tòa nhà; việc xác định diện tích chung, riêng; bàn giao kinh phí bảo trì; thành lập ban quản trị, giá dịch vụ. Thường trực Hội đồng nhân dân quận Thanh Xuân đề nghị Ủy ban nhân dân quận quan tâm hơn nữa về công tác phòng, chống cháy nổ, nhất là công tác tuyên truyền về lĩnh vực này khi ý thức của một số chủ đầu tư và người dân vẫn chưa cao; tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; bàn giao diện tích sở hữu chung, quỹ bảo trì…
Ủy ban nhân dân quận tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, các chủ sở hữu và người sử dụng trong việc quản lý, vận hành tòa nhà; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với các vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.