Tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 71 diễn ra từ ngày 20 đến 26-9, tại trụ sở LHQ ở Niu Oóc (Mỹ). Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự. Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Phiên thảo luận và những đóng góp của Việt Nam tại kỳ họp. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài trả lời phỏng vấn.

PV: Xin Đại sứ cho biết những vấn đề nổi bật được các nước quan tâm tại Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ và những đóng góp của đoàn Việt Nam vào kết quả kỳ họp ?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khóa 71 là kỳ họp đầu tiên sau một năm thực hiện các định hướng lớn về phát triển, diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, nhiều thách thức nghiêm trọng đặt ra về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố, cực đoan bạo lực, khủng hoảng di cư... Tại Phiên thảo luận chung cũng như các sự kiện cấp cao bên lề, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác, tập trung vào ba nội dung chính:

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều ý kiến nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển bền vững với hòa bình, an ninh và quyền con người; kêu gọi tăng cường hợp tác, thiết lập các quan hệ đối tác mới hiệu quả để xóa đói nghèo, bất bình đẳng, quản trị tốt và xây dựng xã hội hòa bình. Tại kỳ họp, có 31 nước công bố phê chuẩn Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, đưa tổng số quốc gia phê chuẩn thỏa thuận quan trọng này lên 60 nước. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp hành động ứng phó tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nếu không được khắc phục sẽ cướp đi sinh mạng của 10 triệu người vào năm 2050.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột kéo dài, tăng cường nỗ lực chung chống khủng bố, xây dựng hòa bình, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và ngăn chặn xung đột, chấm dứt các cuộc khủng hoảng nhân đạo và ứng phó hiệu quả dòng người di cư, tị nạn. Nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên bố Niu Oóc về người tị nạn và di cư.

Thứ ba, các nước đều nhấn mạnh, cần tiếp tục cải tổ Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng và hệ thống phát triển của LHQ để tăng hiệu quả hoạt động của LHQ, bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, quyền tham gia bình đẳng và rộng rãi của tất cả các nước vào tiến trình thảo luận, tham vấn và ra quyết sách đối với các nghị quyết, quyết định của LHQ.

Kỳ họp Đại hội đồng LHQ diễn ra vào lúc Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII và Chương trình hành động của Hội nghị ngoại giao 29, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và sự tham gia của Việt Nam tại LHQ. Trên tinh thần đó, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình thương lượng, chuẩn bị các văn kiện quan trọng của kỳ họp.

Tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng và tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Quyền phát triển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam về sự cần thiết “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”; khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò và hoạt động của LHQ, mong muốn LHQ đảm nhiệm tốt hơn nữa vai trò trung tâm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; và đề cao việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Phó Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và khẳng định, Việt Nam cam kết nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030, đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện vai trò tiên phong hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ mới, tạo thuận lợi trong thương mại.

PV: Đã tròn một năm kể từ khi các nhà lãnh đạo thế giới thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững. Xin Đại sứ cho biết những việc LHQ và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã triển khai để thực hiện Chương trình nghị sự ?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Chương trình nghị sự năm 2030 cùng các mục tiêu phát triển bền vững đã tạo ra bước ngoặt mới trong định hướng chiến lược phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới xóa bỏ nghèo đói, bất bình đẳng và không để một ai bị bỏ lại phía sau, cân bằng giữa kinh tế - xã hội và môi trường, có tính toàn diện, đan xen, không thể tách rời và là đích hướng tới của mọi quốc gia, không phân biệt năng lực, hoàn cảnh, vị thế. Việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng này đòi hỏi LHQ và từng nước thành viên phải đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hành động.

LHQ và các quốc gia đã khẩn trương bắt tay thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030. Với vai trò lãnh đạo, khả năng tập hợp nguồn lực, xây dựng chuẩn mực và tạo dựng các quan hệ hợp tác, trong năm qua LHQ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tham vấn các nước thành viên để thay đổi, điều chỉnh các kế hoạch mang tính chiến lược của LHQ cho phù hợp, đồng bộ với Chương trình nghị sự. LHQ đang cải tổ toàn hệ thống để bảo đảm tính toàn diện, tránh chồng chéo các lĩnh vực hoạt động. LHQ cũng tăng cường huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự, chú trọng phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. Năm 2016, đã có 22 quốc gia rà soát tự nguyện quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam nhận thức rất rõ Chương trình nghị sự năm 2030 hoàn toàn phù hợp đường lối phát triển của đất nước và việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững sẽ đưa Việt Nam phát triển vững mạnh, hòa bình, không tụt hậu, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với nhận thức đó, chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai Chương trình nghị sự. Một thuận lợi lớn là, Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu cụ thể. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam đã lồng ghép, “nội địa hóa” các mục tiêu phát triển bền vững, với các chỉ số cụ thể về kinh tế - xã hội, môi trường. Chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đạt 80% dân số có bảo hiểm y tế; 95% dân số thành thị và 90% dân số nông thôn có nước sạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%... Hiện Việt Nam nỗ lực hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều bộ, ngành tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, phổ biến về các mục tiêu phát triển bền vững và thảo luận các biện pháp thực hiện thành công.

PV: Dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ cũng là dịp lãnh đạo nước ta tiếp xúc và hoạt động bên lề. Xin Đại sứ cho biết kết quả của những hoạt động này ?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong dịp dự Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khóa 71, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc hiệu quả và thực chất với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Bỉ, Ác-hen-ti-na, với các Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện I-ta-li-a và với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhằm thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn của LHQ cũng như tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng có cuộc tọa đàm với lãnh đạo 25 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, để trao đổi về chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, triển khai các thỏa thuận hợp tác, phát huy vai trò của các doanh nghiệp Mỹ là nhân tố tích cực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển thực chất, hiệu quả.