Cùng suy ngẫm

Tăng cường cho Công an cơ sở

Công an cơ sở giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; muốn giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước, trước hết và căn bản phải giữ vững ổn định từ bên trong, từ nền móng cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN)

Thực tiễn chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng công an cấp cơ sở trong công tác bảo đảm an toàn trật tự nói chung, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng.

Ðảng, Nhà nước và ngành Công an đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng công an cơ sở, như: Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời gian qua, Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an xác định, việc tăng cường cho công an cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Công an các địa phương đã thực hiện nghiêm túc; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cơ sở, bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy từng bước được củng cố, kiện toàn theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu; chức năng, nhiệm vụ của công an cơ sở được bổ sung, hoàn thiện, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình ở cơ sở. Số lượng, chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao; chế độ, chính sách từng bước được cải thiện…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng lực lượng công an cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công an cơ sở vẫn còn một số vướng mắc. Số lượng cán bộ vẫn còn rất thiếu; trình độ, năng lực của cán bộ công an cấp cơ sở chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số. Ðiều kiện cơ sở vật chất nhất là vùng sâu, vùng xa nhiều nơi còn khó khăn. Vẫn còn tâm lý không yên tâm công tác của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ; một bộ phận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; cá biệt, một số cán bộ sai phạm phải xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng.

Có thể khẳng định, công tác xây dựng lực lượng công an cấp cơ sở cũng không nằm ngoài công tác xây dựng lực lượng Công an nói chung theo tinh thần của Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, do tính chất, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở cho thấy, xây dựng công an cấp cơ sở hiện nay cần theo hướng: "Xây dựng công an xã, thị trấn toàn diện", cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phân công, phân cấp và cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật… mới có thể đủ sức giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ đầu.

Do đó, thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt chỉ huy công an các cấp trong triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát, phân loại cán bộ, chiến sĩ nhằm điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, cán bộ theo hướng tăng cường cho công an cấp cơ sở. Tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trong lực lượng công an cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo gắn với kiểm tra, đôn đốc, giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xây dựng cũng như hoạt động của lực lượng công an cấp cơ sở.

Ðặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn cho lực lượng công an cấp cơ sở, trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng Lào, Trung Quốc, Campuchia cho cán bộ công an xã, phường, thị trấn, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng biên giới.