Tăng cường các giải pháp tạo đà phát triển

Thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước với bốn nhiệm vụ trọng tâm, bốn nhiệm vụ ưu tiên, ba chương trình đột phá và 15 chỉ tiêu cơ bản… Bình Phước đang từng bước chuyển từ vị trí "dự trữ phát triển" thành một động lực phát triển trong vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Do giải ngân nguồn vốn chậm cho nên nhiều tuyến đường ở Bình Phước thi công rất chậm.
Do giải ngân nguồn vốn chậm cho nên nhiều tuyến đường ở Bình Phước thi công rất chậm.

Việc chậm giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đã tác động không nhỏ đến đà tăng trưởng của tỉnh.

Quyết liệt giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tám tháng của tỉnh ước đạt thấp với 24%, thấp hơn 18,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2023. Ngoại trừ tỷ lệ giải ngân đạt khá của một số huyện như: Bù Đốp đạt 57,8%, Hớn Quản đạt 49,7%, Phú Riềng đạt 44%, các đơn vị khác giải ngân đều thấp. Ngoài ra, vốn ba chương trình mục tiêu quốc gia tám tháng giải ngân đạt rất thấp, chỉ 8,52% so với kế hoạch.

Việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thấp có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan như: Chưa tập trung xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án chất lượng chưa tốt, phân bổ vốn còn thiếu tập trung; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực; công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt…

Để giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã yêu cầu các đơn vị được giao giải ngân các nguồn vốn cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.

Song song với đó là giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Nhằm cụ thể hóa chỉ đạo này, các đơn vị chuyên môn của Bình Phước đang rà soát đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung trong nội bộ của địa phương, đơn vị theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.

Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện dự án trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời tính toán đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước, tránh xảy ra vướng mắc và phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Đề cao vai trò và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan. Kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, Bình Phước đang đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định sản xuất. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thường xuyên tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cục Thuế Bình Phước đã chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí.

Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch kinh doanh, các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật; đẩy mạnh xử lý nợ xấu... Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Bình Phước khuyến khích các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ... để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng chủ động triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo xu hướng phát triển ngân hàng số; mở rộng ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Công tác cải cách hành chính được tỉnh Bình Phước triển khai quyết liệt, thực hiện toàn diện và hiệu quả. Đến nay, tỉnh có 1.417 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đạt 84,39/100 điểm, xếp thứ 3 cả nước, tăng 43 bậc và dẫn đầu cả nước về điểm số tăng trưởng.

Hiện Bình Phước đang rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, thực hiện quyết liệt, hiệu quả tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, tiến tới hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đột phá phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Bình Phước ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, trong đó khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh liên quan việc triển khai xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).