Dịch sởi lan rộng, diễn biến phức tạp
Ghi nhận ngày 10/12, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 102 bệnh nhân sởi, trong đó hơn 10% là ca bệnh nặng. Do công suất điều trị của khoa chỉ đạt tối đa 120 giường, lại thêm các ca bệnh khác từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về nên bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dịch sởi đang diễn biến phức tạp. Bệnh nhi đa dạng các độ tuổi, có các bệnh nhi từ 4 đến 12 tuổi, không được tiêm bất kỳ mũi vắc-xin sởi nào. Khai thác thông tin gia đình thì hầu như các em sống trong khu trọ, gia đình thu nhập thấp, điều kiện rất khó khăn.
Tháng 8/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh và đã có 4 trẻ tử vong. Dù 100% trẻ em có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố đã được tiêm chủng nhưng những tuần gần đây số ca sởi liên tục gia tăng. Cụ thể, tuần thứ 47 (18/11 đến 24/11) ghi nhận 238 ca mắc sởi, tăng 41,9%, nhưng đến tuần thứ 48 (25/11 đến 1/12) số ca sởi ghi nhận là 319 ca, tăng hơn 58%.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc sởi chủ yếu tập trung ở các quận, huyện tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương, khu vực có nhiều khu công nghiệp. "Chính vì vậy, thành phố đã triển khai giải pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để kiểm tra danh sách trẻ đã và chưa được tiêm chủng", ông Châu chia sẻ. Thế nhưng hiện còn rất nhiều trẻ không nằm trong danh sách quản lý của địa phương. Nguyên nhân là trẻ di chuyển từ các tỉnh khác đến Thành phố Hồ Chí Minh, do đó thành phố thực hiện chiến dịch vừa tiêm vắc-xin vừa rà danh sách trẻ, nhất là các khu công nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 2.438 ca sởi, 4 trường hợp tử vong. Ca tử vong mới nhất là một bé gái (1 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức), nhiễm trùng huyết, viêm phổi hậu sởi, cơ địa suy dinh dưỡng và thiểu sản phổi phải bẩm sinh. Trong khi đó, số ca sởi chuyển từ địa phương khác đến Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú, 1 trường hợp tử vong.
Ông Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay đối tượng dễ tiếp cận tiêm vắc-xin là đối tượng ít nguy cơ, trong khi đối tượng khó tiếp cận là những trẻ em thuộc diện di biến động dân cư, là đối tượng nguy cơ cao. Đây là vấn đề gặp phải từ đầu dịch, là lý do dù vắc-xin đã bao phủ nhưng qua nhiều tuần, ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng hoặc không thể giảm.
Ngăn chặn dịch sởi từ xa
Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm đối phó với dịch sởi như: Các trạm y tế phường, xã và bệnh viện trên địa bàn thành phố đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng sởi cho trẻ em và người lớn chưa được tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng lưu động cũng được triển khai tại những khu vực có nguy cơ cao.
Ngoài ra, chính quyền địa phương phối hợp các đoàn thể tổ chức tuyên truyền qua nhiều kênh như mạng xã hội, báo chí và các buổi họp mặt cộng đồng nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm phòng và các biện pháp phòng tránh bệnh. Sở Y tế đã thiết lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các ổ dịch mới. Các cơ sở y tế được yêu cầu báo cáo kịp thời và chính xác tình hình bệnh nhân nhằm có phương án can thiệp sớm. Các bệnh viện tuyến đầu đã được bổ sung trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi, đặc biệt là các ca biến chứng nặng.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh rất khó chống được dịch khi các tỉnh, thành phố khác vẫn còn quá nhiều ca mắc và sởi đã tấn công cả thai phụ, người lớn, một việc rất hiếm và hiện chưa có dấu hiệu chững lại. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, diễn tiến dịch lan rộng là tất yếu khi nhiều địa phương không tiêm phòng đầy đủ, dịch bệnh có thể kéo dài đến tháng 6/2025. Đặc biệt, nếu không khống chế thì bệnh sẽ tấn công các đối tượng nguy cơ dẫn đến có thêm ca tử vong. Lo ngại nhất là phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi sẽ dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
"Tiêm phòng vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa sởi. Cha mẹ cần bảo đảm trẻ em được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin theo lịch trình. Việc tổ chức tiêm vắc-xin phải đồng bộ, đồng loạt giữa các tỉnh, thành phố; nhanh chóng và gấp rút", bác sĩ Khanh nhấn mạnh. Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc gần với người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây lan dịch bệnh.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện đã mở khu cách ly phòng chống bệnh sởi và tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh; đồng thời, các bệnh viện hiện nay cũng chuẩn bị thuốc men và nhân sự để chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. Trong vài tuần tới, nếu số ca nhập viện tăng, bệnh viện sẽ tính phương án nâng công suất giường bệnh.
Bác sĩ Quy khuyến cáo: "Bệnh sởi là căn bệnh dễ chữa trị, nếu được đưa đến bệnh viện sớm. Người dân không cần lo lắng, không cần thiết phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì sẽ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, lại tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh".