Tăng cường bảo đảm an toàn đường sắt

Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đường sắt, nhưng thời gian qua, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân, nhất là tại các đường ngang dân sinh được mở ra một cách tự phát.
0:00 / 0:00
0:00

Hồi 11 giờ 54 phút ngày 10/7/2023, tại đường ngang qua xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn đường sắt giữa tàu khách LP3 chạy từ Hà Nội về Hải Phòng với xe ô-tô 7 chỗ do anh Trần Như Ðông, 38 tuổi, ở huyện Nam Sách (Hải Dương) chở theo bốn người khác chạy từ khu dân cư thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương ra Quốc lộ 5 qua lối mở sát trạm thu phí. Hậu quả khiến một người trên xe ô-tô tử vong và bốn người bị thương.

Theo thống kê của Cục Ðường sắt Việt Nam, năm 2022 tai nạn giao thông đường sắt tăng cả ba tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương.

Theo Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hải Phòng, lối mở từ xã Lê Thiện ra Quốc lộ 5 là điểm đen tai nạn, có nhiều phương tiện qua lại, nhưng không được lắp barie tự động mà giao cho một người đàn ông lớn tuổi, yếu chân, phải đi lại bằng nạng phụ trách. Hiện người đàn ông này già yếu nên Ðội Cảnh sát giao thông đường sắt đã kiến nghị Công an TP Hải Phòng phối hợp với các ngành liên quan đổi người gác hoặc lắp barie tự động. Trước đó, vào tháng 6/2023, nút giao này cũng đã xảy ra một số vụ tàu hỏa va chạm với xe máy, xe ba bánh làm hai người chết.

Tại Hà Nội, trong các ngày 28, 29/1 và 4/2/2023 liên tiếp xảy ra ba vụ tai nạn giao thông đường sắt giữa tàu khách bắc-nam với các phương tiện giao thông tại khu vực đường Ngọc Hồi. Mặc dù cả ba vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hỏng nhiều phương tiện và gây gián đoạn giao thông trong thời gian dài. Các vụ tai nạn này đều xảy ra tại các đường ngang dân sinh, không bảo đảm an toàn giao thông.

Theo thống kê của Cục Ðường sắt Việt Nam, năm 2022 tai nạn giao thông đường sắt tăng cả ba tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, trên phạm vi cả nước xảy ra 213 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 83 người chết và 83 người bị thương, tăng 152% số vụ và tăng 119% số người chết, 183% số người bị thương.

Về địa điểm xảy ra tai nạn: 99 vụ tại lối đi tự mở, 4 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động, 2 vụ tại đường ngang có người gác, 88 vụ dọc đường sắt… Trong năm tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt. Ðáng chú ý là trong đó có 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 46%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó một phần là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát khi lưu thông qua đường ngang giao cắt với đường sắt cho dù có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, tuyến đường sắt có rất nhiều đường ngang, lối mở dân sinh.

Trong năm tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt. Ðáng chú ý là trong đó có 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 46%.

Tại nhiều điểm giao cắt, mặc dù có nhân viên gác rào chắn, nhưng khi có tàu đến, nhân viên gác trực ra kéo barie, ngăn các phương tiện thì nhiều người vẫn băng qua đường sắt, bất chấp nguy hiểm.

Tại các vị trí gác chắn, trạm chắn, đến nay ngành đường sắt đã lắp các camera giám sát trực tuyến để theo dõi, điều hành. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, tại nhiều vị trí đường ngang, vẫn xảy ra tình trạng ô-tô, xe máy và các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy tắc an toàn, biển báo.

Việc giải quyết các điểm đen về tai nạn giao thông liên quan đến giao thông đường sắt đã được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó hạn chế tới mức thấp nhất việc mở đường ngang dân sinh băng qua đường sắt, tiến tới xóa bỏ những đường ngang không bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam, đến cuối tháng 9/2022, các đơn vị chức năng mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, còn tồn tại 3.606 lối đi tự mở.

Thực tế, trong số 3.606 lối đi tự mở còn lại, có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xóa bỏ hẳn thì dân sẽ không có lối đi. Ðây cũng là bài toán khó được đặt ra với ngành đường sắt từ nhiều năm nay.

Theo Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam, đến cuối tháng 9/2022, các đơn vị chức năng mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, còn tồn tại 3.606 lối đi tự mở.

Ðể bảo đảm an toàn chạy tàu, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra tại các khu vực có đường ngang giao cắt với đường sắt, bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của người dân, ngành đường sắt đã thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức rào đóng, thu hẹp, xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm; kiểm tra, rà soát toàn bộ các điều kiện an toàn kỹ thuật của hệ thống đường bộ tại các đường ngang có gác thuộc phạm vi quản lý của đơn vị như: hệ thống cọc tiêu, biển báo, tầm nhìn, khả năng hoạt động của các thiết bị cảnh báo tự động, bổ sung đầy đủ gồ, gờ giảm tốc tại các đường ngang bảo đảm theo quy định; tăng cường đầu tư các công trình hạ tầng nhằm ngăn ngừa người, phương tiện vượt ẩu, đi lại trên đường sắt.

Tại Ðề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 297 đường ngang hiện đang là các lối đi tự mở.

Việc xây dựng đường ngang mới gồm nâng cấp, cải tạo lắp đặt thiết bị thành đường ngang cảnh báo tự động hoặc đường ngang có người gác sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương kế hoạch trung hạn 2021-2025. Nguồn vốn trung hạn sẽ tập trung thực hiện nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt, nhà ga, bãi hàng... nhằm tăng năng lực chạy tàu và đáp ứng yêu cầu về vận tải đường sắt.