Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mỗi năm, Đồng Tháp cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến hơn 3 triệu tấn lúa, 500 nghìn tấn cá tra, hơn 400 nghìn tấn trái cây… và nhiều loại nông sản chế biến khác. Trong những năm qua, thông qua các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, các mặt hàng nông sản của Đồng Tháp đã có mặt tại những hệ thống siêu thị Co.opmart, Satra, Lotte Mart, Aeon, Vinmart, MM Mega Market…; 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ ba sao đến bốn sao, được quảng bá trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Voso, Postmart. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Tháp đạt 1,097 tỷ USD, tăng 6,2% so năm 2020; sáu tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 834 triệu USD, tăng 57,8% so cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; tiếp cận được một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Hiện, Đồng Tháp đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và tái cơ cấu công nghiệp, lấy công nghiệp chế biến làm ngành chủ lực. Vì vậy, việc xúc tiến thương mại, kết nối để tiêu thụ nông, thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế tỉnh. Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè-Vicosap (Trà Vinh) Nguyễn Thị Ngọc Thảo cho biết: Vicosap là doanh nghiệp tiên phong về sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm từ dừa sáp: Trái dừa sáp hút chân không, các loại kẹo làm từ dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan… Nhờ tham gia các hoạt động kết nối giao thương mà đến nay sản phẩm của Vicosap đã được bán tại nhiều cửa hàng đặc sản, điểm du lịch, sân bay Tân Sơn Nhất và các chuỗi siêu thị như Co.opmart, Winmart… Sản phẩm của Vicosap cũng đã được xuất khẩu đến một số thị trường: Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)… Vicosap mong muốn được kết nối thêm đối tác để đưa các sản phẩm từ dừa sáp, đặc sản đồng bằng sông Cửu Long đến với nhiều khách hàng quốc tế hơn, nhất là thị trường có đông người gốc Việt sinh sống là Mỹ, Australia và châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng lên; qua đó, đời sống của người nông dân cũng được cải thiện. Tiến sĩ Arjen Roem, Phó Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: Trong quý I năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam tới EU đạt hơn 22.500 tấn với kim ngạch khoảng 18 triệu USD, tăng bốn lần về lượng và giá trị so cùng kỳ 2021; xuất khẩu cá tra và tôm tới EU trong hai tháng đầu năm nay đã tăng gần 70% so cùng kỳ…
Theo thông tin từ Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, hiện phần lớn nông, thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được tập kết, xuất khẩu thông qua các cảng tại thành phố. Trong bảy tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của các doanh nghiệp thành phố đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2021. Thành phố Hồ Chí Minh còn có lợi thế để phát triển thị trường hàng hóa nhờ có hệ thống phân phối hiện đại, đa dạng như: Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống… và là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quốc tế của miền nam và cả nước. Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, đoàn doanh nghiệp Hà Lan vào Việt Nam mua hàng như tổ chức các cuộc làm việc, hoạt động, chương trình tham quan cơ sở sản xuất, chế biến hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Thương vụ về hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư, kết nối giao thương. Các doanh nghiệp phải luôn chú ý tuân thủ quy định của EU và Hà Lan đối với hàng hóa nhập khẩu, cập nhật thường xuyên những quy định có liên quan; cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, chú ý đến những xu hướng thân thiện với môi trường; chú trọng tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa; chủ động xác minh, tìm hiểu đối tác kỹ trước khi tiến hành giao dịch thương mại-đầu tư để tránh những vướng mắc phát sinh sau này… Theo Tiến sĩ Arjen Roem, Việt Nam cần tận dụng những cơ hội thuận lợi từ Hiệp định EVFTA để tăng cường xuất khẩu nông sản tới thị trường EU. Các doanh nghiệp cần cập nhật các thông tin về ưu đãi thuế quan, vệ sinh, an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ… Không chỉ chú trọng chất lượng, số lượng của sản phẩm, các nhà xuất khẩu Việt Nam còn cần phải quan tâm sở thích của người tiêu dùng và đáp ứng được quy tắc “đạo đức” của thị trường EU: Điều kiện lao động, cấm lao động trẻ em, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn nhà máy...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tăng cường phối hợp UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía nam tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, hệ thống thương vụ tiếp tục tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ngoài việc mời doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam giao thương ở nước ngoài, giới thiệu trực tiếp sản phẩm thì chúng ta cũng mời các đoàn mua hàng từ nước ngoài đến Việt Nam để tăng cường kết nối thông tin thị trường, tạo thêm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.