Phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới được xây dựng theo phương châm kế thừa, phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016 - 2020 nhưng có một số thay đổi căn bản. Đó là chỉ tập trung vào dự án, công trình quan trọng, thật sự cần thiết.
Quan điểm này càng được khẳng định trong thông báo của Bộ Tài chính phát đi sau khi ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng triển vọng của Việt Nam lên "Tích cực".
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục tạo nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước và nâng cao vị thế tín nhiệm quốc gia.
Tại tờ trình số 2963/Ttr-BKHĐT về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng mức vốn đầu tư công cho giai đoạn 5 năm tới là 2,75 triệu tỷ đồng. Bao gồm: 1,38 triệu tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Tập trung cho các dự án có tính chất đột phá và lan tỏa
Theo phương án phân bổ chi tiết của các địa phương trên cơ sở vốn kế hoạch được giao, vốn đầu tư công được phân bổ cho 6.447 dự án trong cả nước. Quy mô vốn bình quân đạt 154,8 tỷ đồng/dự án, cao gần gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước.
Tuy nhiên, sau khi cập nhật, bổ sung, dự kiến tổng vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025 được nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120 nghìn tỷ đồng so với dự kiến trước đó.
Theo Bộ KH và ĐT, số vốn tăng thêm được lấy từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.
Đáng lưu ý, số lượng dự án giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 dự án. Trước đó, giai đoạn 2011-2015, cả nước có 22 nghìn dự án đầu tư công, giai đoạn 2016-2020 có 11.100 dự án. Như vậy sau mỗi 5 năm, số lượng dự án đầu tư công giảm khoảng 50%.
Theo Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả là một cuộc cách mạng trong nhiệm kỳ vừa qua và sẽ tiếp tục được thự hiện trong giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.
So với giai đoạn trước, cơ cấu ngân sách dự kiến phân bổ cho các vùng cũng có sự thay đổi rõ nét, không chỉ ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ mà còn bảo đảm phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng.
Cụ thể là bảo đảm đủ vốn cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia; đủ vốn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông và tuyến đường ven biển với phương án dự kiến khả thi nhất.
Tập trung ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Trong đó, vốn đầu tư công cho lĩnh vực kinh tế chiếm 71,52%, phần lớn là cho hạ tầng giao thông.
Quan điểm chỉ đạo về nhiệm vụ đầu tư công trung hạn trong giai đoạn này được đồng chí Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yếu tố đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, tác động lan toả tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy sự tăng trưởng của các cực tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ được định hướng một cách tập trung cho các dự án có tính chất đột phá và lan tỏa, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển; dự án phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế đất nước.
Cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá
Năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên Bộ KH và ĐT đề xuất cho phép đưa vào Báo cáo một số kiến nghị đối với Quốc hội về cơ chế, chính sách mới, đột phá nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn này.
Cụ thể là trình Quốc hội giao Chính phủ căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, giao ngay trong năm 2021 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với những bộ, ngành, địa phương và chương trình, danh mục, nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để triển khai. Đối với những đơn vị, nhiệm vụ, dự án, chương trình chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục hoàn thiện, giao bổ sung kế hoạch, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Kiên quyết không giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được Quốc hội thông qua đối với các bộ, ngành, địa phương và danh mục dự án chưa đủ điều kiện, chưa hoàn thành thủ tục theo quy định. Giao người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ.
Năm 2020, nhờ có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết hợp với những cơ chế mới, đột phá, tỷ lệ đầu tư công đã đạt cao nhất từ trước đến nay, trở thành động lực quan trong cho tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đây là dấu ấn nổi bật trong kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Với tổng mức vốn 2 triệu tỷ đồng, vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã giúp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư, cải thiện thêm một bước. Nhiều dự án hạ tầng đầu tư từ giai đoạn trước thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt được hoàn thành, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ KH và ĐT cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục. Đó là tư duy phát triển trong đầu tư công chậm được đổi mới, nhiều nơi vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, “xin-cho”, trông chờ, ỷ lại T.Ư, thiếu chủ động, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, uỷ quyền…
Ý thức pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa được nâng cao, có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng “lách luật”, chưa nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công và dễ thoả hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả…
Bảy giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn tới:
Tập trung rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh quy định của pháp luật về đẩy mạnh phân cấp; Bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động đầu tư; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hoá trong công tác quản lý đầu tư công; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay; Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công;…
Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng