Tảng băng lớn nhất thế giới vừa tách ra từ Nam Cực

NDO -

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), ngày 19-5, cho biết, một tảng băng khổng lồ lớn hơn cả đảo Majorca của Tây Ban Nha đã tách khỏi rìa đông lạnh của Nam Cực vào Biển Weddell, trở thành tảng băng trôi lớn nhất trên thế giới.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), A-76 là tảng băng lớn nhất trên thế giới đang trôi trên biển, được vệ tinh Copernicus Sentinel-1 của ESA chụp vào ngày 20 -5. Ảnh: ESA.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), A-76 là tảng băng lớn nhất trên thế giới đang trôi trên biển, được vệ tinh Copernicus Sentinel-1 của ESA chụp vào ngày 20 -5. Ảnh: ESA.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình, ESA cho biết tảng băng mới được các nhà khoa học đặt tên là A-76, đã được phát hiện trong các bức ảnh vệ tinh gần đây do vệ tinh Copernicus Sentinel-1 chụp.

Diện tích bề mặt của tảng băng là 4.320 km2, chiều dài 175 km, rộng 25 km. Trong khi đó, đảo Majorca của Tây Bann Nha có diện tích là 3.640 km2.

Tảng băng A-76, đã vỡ ra khỏi thềm băng của Nam Cực, hiện đang được xếp là tảng băng lớn nhất trên hành tinh, vượt qua vị trí thứ hai là tảng băng A-23A có diện tích khoảng 3.380 km2 cũng đang trôi ở biển Weddell.

A-76 lần đầu tiên được phát hiện bởi Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và được Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết quốc gia Mỹ xác nhận bằng cách sử dụng hình ảnh từ sứ mệnh Copernicus Sentinel-1, bao gồm hai vệ tinh quay quanh cực của Trái đất.

Ông Ted Scambos, một nhà nghiên cứu băng học tại Đại học Colorado ở Boulder cho biết, việc tách những khối băng lớn là một phần của chu kỳ tự nhiên và việc A-76 bị tách ra có thể không liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết quốc gia Mỹ, một số thềm băng dọc bán đảo Nam Cực, xa hơn Nam Cực, đã trải qua quá trình tan rã nhanh chóng trong những năm gần đây, đây là hiện tượng mà các nhà khoa học tin rằng có thể liên quan đến hiện tượng ấm lên toàn cầu.