Tăng 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội trong tháng qua

Trong tháng 5, số người tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng 100.000 người so với tháng trước. Một số địa phương ghi nhận có số người tham gia chính sách này tăng cao như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội …
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tại Công ty cổ phần Đồng Tiến. (Ảnh: HOÀNG ANH)
Lao động tại Công ty cổ phần Đồng Tiến. (Ảnh: HOÀNG ANH)

Đây là thông tin từ hội nghị giao ban cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháng 6/2024 diễn ra ngày 3/6. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 5/2024, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 với khoảng 17,414 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 16 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,45 triệu người. Cả nước có 14,253 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội trong tháng qua ảnh 1

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: VSS)

Đặc biệt, ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,614 triệu người tham gia (tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 195.495 tỷ đồng, tăng 16.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 16 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,45 triệu người. Cả nước có 14,253 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Một trong những điểm được bảo hiểm xã hội địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã. Chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế; các văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch.

Theo Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào, trong tháng 5 tình hình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. So với tháng trước, số người tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng 100.000 người. Một số địa phương ghi nhận có số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng cao như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội,… Cùng với đó, việc nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng là dư địa tốt để khai thác phát triển người tham gia.

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan đến nhiệm vụ của ngành thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn.