Tân Uyên trên đường về đích nông thôn mới

NDO -

Sau hơn chín năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện miền núi Tân Uyên (Lai Châu) hoàn toàn thay đổi, nông thôn mới góp phần cải thiện đời sống cả về vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.  

Cây chè là một trong những loại cây nông nghiệp hàng hóa chủ lực của Tân Uyên, đóng góp chung vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện.
Cây chè là một trong những loại cây nông nghiệp hàng hóa chủ lực của Tân Uyên, đóng góp chung vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, đến nay, Tân Uyên đã hình thành các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật và có sự liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong chăn nuôi, từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, hình thành quy mô với 225 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô gia trại, trang trại. Từ đó, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tân Uyên đạt 32,33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trung bình các xã giảm còn 9,23%.

Cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, 100% các thôn, bản trong huyện đã có đường ô-tô và đường trục xã, liên xã được bê-tông hóa, nhựa hóa. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa… trên địa bàn được kiên cố hóa, bảo đảm phục vụ cho giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế, xã hội.

2_2-1598254272942.jpg
 Các mô hình phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện giúp cải thiện thu nhấp, đời sống cho người dân.

Xã Phúc Khoa - một trong hai xã đầu tiên của huyện Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, bộ mặt đời sống của người dân trong xã có nhiều chuyển biết tích cực. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, các mô hình kinh tế, hợp tác xã, nhà máy chè… dần ra đời, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Phúc Khoa đạt 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,18% theo tiêu chí mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lương Kiên, trưởng bản Ngọc Lại xã Phúc Khoa cho biết: “Nhờ xây dựng nông thôn mới mà đường làng, ngõ xóm đi lại thuận tiện, sạch sẽ. Hiện, đường lên vùng chè của bản cũng đã được bê-tông hóa, không chỉ xe máy mà cả ô-tô đều đi lại thuận lợi bốn mùa. Điều này giúp cho việc thu hái vận chuyển sản phẩm thuận lợi, giảm bớt chi phí nhân công, tăng khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất".

Nhận thức thay đổi, người dân cũng trú trọng vào làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Gia đình anh Nguyễn Văn Chanh, trú tại bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa là một thí dụ điển hình. Từ một hộ nghèo không biết cách làm ăn hiện gia đình đã có 6ha chè, nguồn thu từ cây chè trừ toàn bộ chi phí mỗi năm mang về cho gia đình anh Chanh 300 triệu đồng.

Theo anh Chanh chia sẻ, lúc đầu cán bộ xã xuống vận động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả bản thân anh còn lăn tăn đắn đo. Phần vì chưa quen, phần vì lo sản phẩm làm ra không bán được… Tuy nhiên hiện tại nỗi lo của anh Chanh là làm sao để thâm canh số diện tích chè kia cho tốt hơn và tập trung phát triển thêm một số mô hình khác như nuôi ếch, trồng chanh leo… theo như bản thân anh đang dự định.

5-1598254272458.jpg
 Mô hình chanh leo xuất khẩu châu Âu có sự liên kết của doanh nghiệp đang tạo hướng đi bền vững cho Tân Uyên, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới

Theo số liệu thống kê hiện Tân Uyên, đã có tám trông số chín xã đạt chuẩn nông thôn mới. Một xã còn lại là Nậm Sỏ đang làm quy trình để công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm nay 2020. Cũng theo mục tiêu cuối năm 2020, huyện Tân Uyên sẽ trở thành đơn vị cấp huyện thứ 2 sau thành phố Lai Châu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu đó theo ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND, hiện huyện đang quyết liệt chỉ đạo địa phương cuối cùng hoàn thiện nốt các thủ tục hồ sơ, kiểm tra lại toàn bộ các tiếu chí để đề nghị công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra dù huyện đang chuẩn bị đạt chuẩn, song huyện vẫn chỉ đạo các địa phương phát tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Trong đó đặc biệt quan tâm củng cố các tiêu chí dễ mất chuẩn như thu nhập đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường…  

Ngoài ra huyện cũng xác định, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; vì vậy chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị của huyện sẽ nỗ lực giữ chuẩn sau khi đạt chuẩn và tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tiến tới mục tiêu thành huyện nông thôn kiểu mẫu trong những năm tiếp theo.