Tân Uyên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp

Thành phố Tân Uyên (Bình Dương) nằm bên sông Đồng Nai, lợi thế về hạ tầng giao thông và khu công nghiệp đã giúp thành phố Tân Uyên thu hút đầu tư nước ngoài rất hiệu quả với hơn 5,3 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Với vị trí chiến lược quan trọng và thuận lợi, Tân Uyên đang nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố xứng tầm là địa bàn chiến lược của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng khu công nghiệp tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Hạ tầng khu công nghiệp tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh

Thị xã Tân Uyên (nay là thành phố Tân Uyên) được thành lập và đi vào hoạt động ngày 1/4/2014 theo Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở chia tách huyện Tân Uyên thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Ngày 1/4/2023, thành phố Tân Uyên đi vào hoạt động theo Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15, ngày 13/2/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, có diện tích 191,76 km2 và dân số 466.053 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã.

Nằm ở phía đông nam của tỉnh Bình Dương, thành phố Tân Uyên có vị trí địa lý đặc biệt, là địa bàn quan trọng của tỉnh trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Trên địa bàn thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại thông suốt, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh, thành phố phía nam thuận lợi; có cảng Thạnh Phước trên sông Đồng Nai mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics. Thành phố Tân Uyên cũng đang tập trung cho các dự án đường kết nối vùng như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đi qua địa bàn, mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên.

Qua 10 năm phát triển, đến cuối năm 2023, cơ cấu kinh tế của thành phố Tân Uyên có tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp tương ứng từ 62,3 - 36,61% - 1,09%; tổng giá trị các ngành kinh tế đạt 59.924 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2014.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Tân Uyên, với lợi thế của mình, những năm qua, Tân Uyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; thành phố đã thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 34.000 tỷ đồng và gần 650 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 5,3 tỷ USD. Hiện nay, thành phố có 3 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp thu hút đầu tư rất hiệu quả, trong đó có 2 Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) lớn nhất nước là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 2 (VSIP 2) quy mô 2.045 ha và Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3) có quy mô hơn 1.000 ha.

Tuy mới thành lập nhưng VSIP 3 đã thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư lớn. Tại đây, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đang xây dựng nhà máy sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay. Ngoài ra, tại VSIP 3, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đang đầu tư dự án 100 triệu USD để xây dựng nhà máy chế tác trang sức mới mang đẳng cấp thế giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi chia sẻ, hiện nay kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ; nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, giúp thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, thành lập mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và của tỉnh. Thành phố cũng tập trung phát triển các dự án khoa học-công nghệ, nông nghiệp kỹ thuật cao; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng.

Mở rộng không gian liên kết đô thị

Định hướng phát triển thời gian tới, thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng, huy động cao nhất các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật-kinh tế xã hội theo hướng phát triển công nghiệp-dịch vụ-đô thị-nông nghiệp đô thị, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025; phát triển thành một trung tâm lớn phía nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa-du lịch; là đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương, thu hút người dân từ các tỉnh, thành phố đến sinh sống và làm việc; mở rộng không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, Tân Uyên là thành phố trẻ, năng động, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp-dịch vụ-đô thị của tỉnh Bình Dương.

Để xây dựng Tân Uyên trở thành thành phố văn minh, hiện đại hơn trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị hàng hóa, dịch vụ gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thành phố cần coi trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động có giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp quy hoạch; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Tân Uyên phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm các tổ chức đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...