Bên cạnh sự tiếp sức của Nhà nước về cải cách thể chế, chính sách, các doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản, chủ động đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.
Nhận diện cơ hội và thách thức
Theo Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), Việt Nam đã tham gia, đàm phán 19 FTA, trong đó có 16 FTA có hiệu lực thực thi với hơn 60 đối tác toàn cầu,... Việc thực thi các FTA là cơ sở, nền tảng đưa nước ta trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 681 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 326 tỷ USD, xuất siêu 28,3 tỷ USD. Riêng bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó xuất khẩu ước đạt 123,64 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 115,24 tỷ USD, ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (tăng 740 triệu USD so cùng kỳ năm trước).
Xuất khẩu thuận lợi, xuất siêu duy trì đà tăng mạnh từ năm 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho ổn định tỷ giá, điều hành lãi suất, sản xuất công nghiệp, và kỳ vọng của nền kinh tế. Kết quả nêu trên là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong khai thác hiệu quả các FTA, hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả. Điều này cũng giúp năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp cải thiện rõ rệt, tăng tính bền vững trong phát triển, định hình khả năng tham gia các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Những cơ hội mà các FTA mang lại rất lớn, song Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài lưu ý, các doanh nghiệp cần phải nhận diện rủi ro và thách thức để thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTA. Chúng ta nói nhiều tới tăng trưởng xuất khẩu mà ít nói tới chất lượng của tăng trưởng, chất lượng của xuất khẩu. Hiện nay, các chi phí đầu vào đều tăng lên, kể cả chi phí nhân công nhưng giá không tương xứng. Hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ đều sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài, bị ép giá rất nhiều.
Chế biến cà-rốt xuất khẩu tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. (Ảnh ĐỨC KHÁNH) |
“Như vậy, phần làm thì nhiều nhưng giá trị ít, về lâu dài, cách làm này không bền vững. Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mới tham gia vào thị trường thế giới với tư cách là các doanh nghiệp, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia. Vì vậy, không tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, khiến sức cạnh tranh trên thị trường thế giới còn thấp”, ông Hoài chia sẻ.
Nâng cao khả năng thích ứng
Năm 2024, khu vực và thế giới vẫn đối diện nhiều rủi ro, biến động khó lường, nhiều thị trường ngày càng đề cao tiêu chuẩn hàng hóa và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc chuyển đổi sản xuất “từ nâu sang xanh” trở thành yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh yếu tố giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, thì xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh đặc biệt quan trọng được các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản yêu cầu các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán “xanh hóa” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí xử lý đạt tiêu chuẩn, sản xuất tiết kiệm năng lượng, có giải pháp tái chế chất thải. Chưa kể, xu hướng bảo hộ thương mại cũng đang phổ biến hơn khi các nước dựng lên các rào cản thương mại khắt khe nhằm giảm hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh đánh giá, việc thực thi hiệu quả các FTA sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Việt Nam cần có chiến lược bài bản, chủ động đổi mới mạnh mẽ từ chính tư duy và hành động. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục, hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có.
Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực thi các FTA trên cơ sở phát huy cao nhất nội lực; thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với những chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động, chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt những ưu đãi mà các FTA mang lại cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc VCCI) khẳng định, việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA đã chứng tỏ sự trưởng thành của nền ngoại giao và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Song đây mới chỉ là bệ phóng tốt để phát triển kinh tế, “trái ngọt” từ các cơ hội này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực, sự chủ động để tham gia tích cực, sâu hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế.