Tận dụng “giờ vàng” trong sơ,cấp cứu tai nạn giao thông

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 50% số nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn; 30% xảy ra trong ba đến bốn giờ sau đó và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện. Vì thế, trong vòng một giờ đầu sau khi bị tai nạn, được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Muốn giảm hạn chế tỷ lệ tử vong cao và thương tật do chấn thương, cần tập trung tổ chức tốt cấp cứu ban đầu.

Các chiến sĩ Công an TP hà Nội tham gia lớp tập huấn sơ, cấp cứu cho người bị tai nạn.
Các chiến sĩ Công an TP hà Nội tham gia lớp tập huấn sơ, cấp cứu cho người bị tai nạn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương. Nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ TNGT. Tuy nhiên, thực tế khi TNGT xảy ra, thông thường những người đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân lại rất thiếu các kỹ năng cần thiết để sơ cứu kịp thời. Theo bác sĩ Phạm Thành Lâm, Phó Cục trưởng Y tế giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), cấp cứu y tế là hoạt động nhằm can thiệp nhanh, kịp thời để cứu sống, hồi phục chức năng sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân. Khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian “giờ vàng” này chưa được tận dụng triệt để. Nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103, chỉ có 63,8% nạn nhân TNGT được chuyển đến bệnh viện trong sáu giờ đầu, số còn lại đến sau sáu giờ, trong đó có 8,2% đến bệnh viện sau 72 giờ.

TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, số liệu thống kê về công tác sơ, cấp cứu của Cộng đồng châu Âu cho thấy, tỷ lệ tử vong có thể giảm 15% đến 20% nếu công tác sơ, cấp cứu được làm đúng và kịp thời. Ủy ban ATGT Quốc gia luôn đánh giá cao tầm quan trọng của công tác sơ, cấp cứu đối với nạn nhân TNGT. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sơ, cấp cứu đã được “đặt hàng” để đưa ra những sáng kiến và giải pháp tốt nhất, góp phần giảm thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra TNGT. TS Nguyễn Đức Chính (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết: Bệnh viện Việt - Đức hằng năm tiếp nhận hơn 35 nghìn trường hợp tai nạn, thương tích vào cấp cứu, trong đó có hơn 15 nghìn ca TNGT. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện cấp cứu khoảng 100 ca tai nạn. Do việc cấp cứu không đúng cách từ tuyến trước (cấp cứu trước viện), dẫn đến nhiều trường hợp xảy ra biến chứng hoặc tử vong trước khi đến bệnh viện. Việc nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu bao gồm nâng cấp cơ sở y tế, đầu tư trang, thiết bị, phối hợp các nguồn lực từ cộng đồng,… trong đó, việc đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho người làm cấp cứu ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạn nhân TNGT được sơ, cấp cứu trước khi đến bệnh viện còn thấp do hầu hết các trường hợp tai nạn xảy ra ở xa các khu vực dân cư, trên tuyến quốc lộ, thậm chí tại vùng sâu, vùng xa. Cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện, chiếm hơn 90%, tỷ lệ được nhân viên y tế cấp cứu chỉ chiếm gần 5%. Thực tế, việc cấp cứu TNGT đường bộ trong thời gian qua chủ yếu dựa vào cộng đồng, sự tham gia của hệ thống cấp cứu 115 rất hạn chế. Năng lực sơ, cấp cứu, điều trị cho nạn nhân TNGT của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện dọc các quốc lộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, nâng cao năng lực cấp cứu cho các bệnh viện, các địa phương dọc tuyến đường bộ là yêu cầu cấp bách hiện nay, cũng là một trong những giải pháp thiết thực hạn chế ảnh hưởng của TNGT. Trong đó, không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức về tổ chức cấp cứu, kỹ năng cấp cứu cho nhân viên y tế mà còn phải đầu tư trang bị, phương tiện cũng như xây dựng phương án đối phó khi có TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Bên cạnh đó, những người đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân TNGT cần phải biết kỹ năng sơ, cấp cứu để hỗ trợ kịp thời. Đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần đưa nội dung tập huấn sơ, cấp cứu vào chương trình đào tạo, cấp giấy phép lái xe, hướng đến đối tượng là lái xe khách đường dài, xe ta-xi bởi đây là những người thường xuyên lưu thông trên đường, khi gặp TNGT có thể hỗ trợ nạn nhân được ngay. Để thực hiện tốt công tác sơ, cấp cứu chấn thương ban đầu cần đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân viên cấp cứu TNGT. Qua đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường đào tạo, cấp cứu chấn thương ban đầu, nhất là TNGT, giúp giảm thiểu nguy cơ thương tích và tử vong.

TS Lã Ngọc Quang, giảng viên Trường đại học Y tế công cộng cho biết, sơ cứu đúng cách có thể giảm 50% thương vong trong các vụ tai nạn. Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), việc sơ cứu nên tiến hành theo ba bước: Thông đường thở, làm nạn nhân thở được (hà hơi, hồi sức); kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết; sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, không bế xốc hay bế gập nạn nhân lại mà cần hai đến ba người nâng nạn nhân lên ván cứng, đưa đến chỗ an toàn, gọi xe cứu thương hoặc chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất. Cần lưu ý không được lấy, bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút ra, vì các vật đó có tác dụng bịt mạch máu. Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ. Đồng thời, không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định các chi bị gãy hoặc đưa nạn nhân lên ván cứng. Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp hoặc xe gắn máy vì có nhiều trường hợp bị gãy cột sống cổ, tử vong trước khi vào viện vì liệt hô hấp. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, nếu không thể gọi cấp cứu 115, cần chở nạn nhân bằng ô-tô hoặc các phương tiện bảo đảm khác như công nông, xe lam,... tới bệnh viện hoặc các trung tâm y tế gần nhất.

Các bước sơ cứu cần thiết

Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho nạn nhân, để đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, đờm, dãi,... phải dùng tay móc ra. Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), vẫn phải yêu cầu họ nằm nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 10 phút đến 15 phút hoặc lâu hơn, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra. Nếu nạn nhân bị chảy máu, phải đè tay, khăn hay bông lên vết thương để cầm máu tại chỗ. Nếu nạn nhân gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy, sử dụng nẹp, máng treo cố định chi gãy rồi mới đưa đi bệnh viện.